Hàng loạt chính sách giúp tăng năng lực cho kinh tế tập thể

08:49' - 14/04/2021
BNEWS Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong các tổ hợp tác, hợp tác xã đạt 5,5-7 triệu đồng/người/tháng, tăng từ 1,5-2 lần so với năm 2016.

Tại Thái Nguyên, kinh tế tập thể trong đó nòng cốt là hợp tác xã đã có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng, hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực và ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường, khẳng định được vai trò, vị trí trong nền kinh tế, từng bước nâng cao mức sống người dân.

Hợp tác xã Chè Hảo Đạt ở xóm Nam Đồng, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên tiền thân là tổ hợp tác với 7 thành viên. Năm 2016, được sự vận động và hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt được thành lập có số vốn điều lệ 300 triệu đồng. Hợp tác xã Chè Hảo Đạt canh tác 6 ha chè đặc sản tại Tân Cương.

Ngay từ khi mới thành lập, Hợp tác xã đã chú trọng đến xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm chè sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng cao nổi tiếng của vùng đất chè Tân Cương. Từ vùng nguyên liệu chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, dây truyền sản xuất hiện đại, năm 2019, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt có 3 sản phẩm chè được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp 4 sao của tỉnh Thái Nguyên.

Theo bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt, đến nay sau 5 năm hình thành và phát triển, hợp tác xã đã có 30 thành viên thường xuyên và trên 50 thành viên thời vụ với số vốn điều lệ là 3 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của hợp tác xã tăng liên tục qua các năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5- 7 triệu đồng/người/tháng, góp phần tích cực tạo việc làm, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hàng nghìn tổ hợp tác, hàng trăm hợp tác xã đang hoạt động cho hiệu quả kinh tế cao. Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên, hiện tỉnh có 4.480 tổ hợp tác với hơn 73.000 thành viên và người lao động; 592 hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực với trên 42.000 thành viên, người lao động.

Trong số đó có 4 liên hiệp hợp tác xã được thành lập nhằm tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã thành viên thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong các tổ hợp tác, hợp tác xã đạt 5,5-7 triệu đồng/người/tháng, tăng từ 1,5-2 lần so với năm 2016; 80% các hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, số lượng cán bộ quản lý hợp tác xã đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp trở lên tăng dần qua các năm.

Đặc biệt, tỉnh hiện có 108 xã đạt chuẩn nông thôn mới đều có hợp tác xã hoạt động hiệu quả, thực hiện sản xuất gắn với chuỗi giá trị, có mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, tổ hợp tác và người dân. Trong số 76 sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên, có 56 sản phẩm là của các hợp tác xã.

Theo bà Vũ Thị Thu Hương, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2017 đến nay trung bình mỗi năm có 104 tổ hợp tác và 72 hợp tác xã thành lập mới, hoạt động hiệu quả.

Để kinh tế tập thể phát triển, hoạt động hiệu quả, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tại Thái Nguyên đã cùng nhau thực hiện tốt tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể theo chủ trương của Đảng, gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, giới thiệu các hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả ở các lĩnh vực cho người dân.

Bên cạnh đó, hàng loạt các chính sách đào tạo, tập huấn, thu hút nguồn nhân lực tham gia quản lý, làm việc tại các hợp tác xã. Việc hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã được thực hiện đồng bộ, như hỗ trợ về tín dụng, đất đai, phát triển kết cấu hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, giống cây, con giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt là hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho khu vực kinh tế tập thể.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh phát triển, nâng cao năng lực tổ chức, hoạt động hiệu quả khu vực kinh tế tập thể. Tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể.

Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên mới thông qua Đề án “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025”, phấn đấu hằng năm thành lập mới 100 tổ hợp tác trở lên và trên 30 hợp tác xã, đến hết năm 2025 phát triển thêm 5 liên hiệp hợp tác xã.

Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong hợp tác xã tăng từ 10% trở lên; có trên 15% số hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 50% hợp tác xã có liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt trên 65%./.

>>Liên kết phát triển du lịch nông thôn với tiêu thụ sản phẩm OCOP

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục