Hàng Việt về nông thôn ở Đắk Nông: Lượng hàng hoá tiêu thụ tăng 20-30%

20:25' - 06/06/2020
BNEWS Sau 2 năm xây dựng 2 mô hình thí điểm về điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Đắk Mil và Đắk R’lấp, lượng tiêu thụ hàng hóa tăng 20 - 30% so với thời điểm trước đó.

Sau hơn 10 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 26 chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và khu vực biên giới” trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện là 2.977 triệu đồng đưa hàng về Đắk Nông đã đạt hiệu quả cao, giúp người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn với hàng hoá trong nước cũng như tạo đầu ra cho doanh nghiệp.

Chị Thái Thu Thảo người dân thị trấn Đức An tại địa bàn tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian qua nhiều phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại đây đã thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Từ những sản phẩm xoong, nồi quần áo, phích nước đến những đồ gia dụng khác tuy không thật sự đẹp nhưng chất lượng tốt và giá cả phải chăng.

Vì vậy, những phiên chợ này rất phù hợp với những hộ gia đình có thu nhập thấp nhưng vẫn được sử dụng hàng hoá chất lượng tốt và vừa ủng hộ được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong nước.

Sau một thời gian xây dựng 2 mô hình thí điểm về điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Đắk Mil và Đắk R’lấp.

Kết quả cho thấy lượng tiêu thụ hàng hóa tăng 20 - 30% so với thời điểm chưa xây dựng mô hình. Vì vậy, Sở Công Thương Đắk Nông đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng 2 mô hình thí điểm điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Krông Nô và huyện Tuy Đức.

 Theo Ban chỉ đạo CVĐ, nhờ các hoạt động kể trên, sức mua của người tiêu dùng đối với hàng Việt ngày càng tăng cao và có tới 89% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt; tỷ trọng hàng Việt tại các chợ chiếm trên 70%.

Hơn nữa, thông tin tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, doanh nghiệp và nhân dân được chú trọng. Việc quản lý thị trường chặt chẽ đã góp phần bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…  

Cùng với hiệu quả đạt được, việc triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh được đánh giá vẫn còn một số khó khăn như quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; hệ thống phân phối hạn chế.

Chưa kể, với Đắk Nông, hầu hết sản phẩm hàng hóa Việt Nam đều do các doanh nghiệp ngoài tỉnh sản xuất nên chưa đáp ứng được kỳ vọng và thị hiếu của người tiêu dùng về chủng loại, chất lượng, giá cả…

Do vậy, để đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền, tới đây Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa thông tin tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng nhận thức đúng về khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường thông qua việc tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, tổ chức các đoàn tham gia Hội chợ.

Đặc biệt, Sở Công Thương tỉnh cũng đã xác nhận cho các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ triển lãm và thực hiện các chương trình khuyến mại trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng thị trường tiêu thụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục