Hành trình 25 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam

15:36' - 28/07/2025
BNEWS Ngày 28/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Lễ Kỷ niệm 25 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và ra mắt Hệ thống công nghệ thông tin mới.

Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu một chặng đường phát triển đầy nỗ lực, đồng thời mở ra một thời kỳ phát triển mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tới tham dự buổi lễ.

* Kênh huy động vốn trung – dài hạn hiệu quả

Cách đây tròn một phần tư thế kỷ, ngày 20/7/2000, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) chính thức đi vào hoạt động và sau đó ngày 28/7, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức giao dịch phiên đầu tiên.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những kết quả cụ thể, sinh động của quá trình đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước.

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, vượt qua nhiều giai đoạn đầy khó khăn, biến động, thăng trầm, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển vượt bậc cả về khung khổ pháp lý, cấu trúc thị trường, quy mô, thanh khoản, chất lượng, minh bạch, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Nếu như những ngày đầu thành lập, thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp, quy mô vốn hóa chỉ khoảng 0,2% GDP, thì đến nay đã có trên 1.600 doanh nghiệp tham gia thị trường. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu đạt gần 100% GDP, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và các tổ chức kinh tế.

Thị trường chứng khoán ngày càng hoàn thiện về khung khổ pháp lý, cấu trúc thị trường, hạ tầng công nghệ, sản phẩm, tổ chức trung gian… và đặc biệt là kênh đầu tư hấp dẫn với hơn 10 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong, ngoài nước.

“Một phần tư thế kỷ dù không quá dài nhưng đó là hành trình xây dựng, phát triển đầy bản lĩnh và bền bỉ của thị trường chứng khoán Việt Nam, từ sơ khai đến chuẩn mực của một thị trường bậc cao của nền kinh tế đất nước. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã cho thấy vai trò, đóng góp hiệu quả trong từng chặng đường phát triển của kinh tế đất nước; từ đó đã khẳng định là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị ngành chứng khoán quán triệt tinh thần, triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính ổn định, minh bạch và hiệu quả của thị trường; tổ chức vận hành thị trường một cách an toàn, ổn định, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường; nâng cao năng lực quản lý, chất lượng giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm nâng cao tính minh bạch và kỷ cương thị trường.

Ngành chứng khoán tiếp tục tái cơ cấu các trụ cột của thị trường hiệu quả, tăng cường nhà đầu tư tổ chức, nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trên thị trường chứng khoán, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và nhà đầu tư; thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, vừa phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong giai đoạn mới; đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư; thúc đẩy hợp tác quốc tế toàn diện, có chiều sâu, nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, vai trò của thị trường chứng khoán sẽ cần phát huy mạnh mẽ, khẳng định rõ nét hơn trong việc huy động nguồn lực vốn trung, dài hạn chủ lực cho nền kinh tế trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Với nền tảng thành quả của 25 năm qua và đặc biệt là sự quyết tâm và đồng lòng, sáng tạo, đổi mới của ngành chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững và hội nhập.

* Hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển

Hành trình 25 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng trở thành bệ phóng giúp các doanh nghiệp niêm yết tạo dựng tên tuổi và phát triển.

Là doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu lên thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (HOSE: REE) chia sẻ, ngay từ năm 2000, bà đã đặt niềm tin rằng thị trường chứng khoán không chỉ là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp mà còn giúp nhà đầu tư linh hoạt lựa chọn danh mục, tạo thanh khoản cho cổ phiếu, thúc đẩy nền kinh tế.

Theo bà Mai Thanh, việc phát hành cổ phiếu qua thị trường chứng khoán là phương thức huy động vốn an toàn, minh bạch và bền vững. Nhà đầu tư trên thị trường luôn yêu cầu cao về tính minh bạch, chiến lược rõ ràng và đồng hành lâu dài với doanh nghiệp. Điều này tạo động lực để doanh nghiệp phát triển lành mạnh hơn.

“REE đã nhiều lần phát hành thành công cổ phiếu trên thị trường và nguồn vốn này đã được đầu tư hiệu quả vào các dự án năng lượng. Từ một doanh nghiệp có vốn điều lệ 16 tỷ đồng khi cổ phần hóa năm 1993, đến nay, vốn hóa của REE đã đạt 36.000 tỷ đồng, tăng 2.250 lần. Một khoản đầu tư 100 triệu đồng vào REE vào năm 1993, sau 30 năm đã trở thành 225 tỷ đồng, chưa kể cổ tức tiền mặt hàng năm đều đặn từ 10-15%”, bà Mai Thanh cho biết.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng. Đây là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh đất nước đang bước vào một kỷ nguyên mới với khát vọng phát triển, niềm tin mạnh mẽ và sự quyết tâm cao độ.

Ở góc độ quỹ đầu tư đồng hành cùng thị trường từ những ngày đầu, ông Don Lam, Đồng sáng lập và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quỹ VinaCapital cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo ông Don Lam, trong suốt 25 năm qua, thị trường chứng khoán đã đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam.

Nhìn về tương lai, vai trò của thị trường chứng khoán sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong việc giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu dài hạn, bao gồm sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân và tự chủ tài chính quốc gia.

“Việc nâng hạng thị trường là một mục tiêu rất quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là đích đến cuối cùng. Mục tiêu lớn hơn mà thị trường chứng khoán Việt Nam cần hướng tới là thúc đẩy huy động vốn trong nước và xây dựng nền tảng cho sự tự chủ tài chính của quốc gia”, ông Don Lam chia sẻ.

Đại diện VinaCapital cũng cho rằng, chìa khóa cho sự phát triển bền vững là sự chuyển mình của thị trường, do các nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy các đợt IPO và tiên phong trong các sản phẩm mới như quỹ hưu trí, quỹ hạ tầng và quỹ đầu tư bất động sản (REITs).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục