Hệ lụy xuất cảnh trái phép đi làm thuê - Bài 3: Vỡ mộng đổi đời

07:51' - 18/07/2018
BNEWS Theo cảnh báo của lực lượng chức năng, người lao động Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động “chui” luôn trong tình trạng “thân cô thế cô” nơi đất khách, phải chịu nhiều thiệt thòi.
Đã có những trường hợp không khi trở về bị tàn tật hoặc có trường hợp biệt tích, bỏ mạng ở xứ người, để lại nỗi xót thương cho gia đình và người thân. Ảnh: TTXVN

Người dân xuất cảnh trái phép sang lao động “chui” ở Trung Quốc với mong muốn có thu nhập cao, nếu may mắn khi về quê, đời sống sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, phần lớn vượt biên sang Trung Quốc lao động trái phép đã bị bắt, bị giam và trở về với... hai bàn tay trắng.

*May mắn được hồi hương

Lãnh đạo UBND huyện Yên Lập (Phú Thọ) cho biết, từ năm 2011 - 2013, toàn huyện có hơn 1.000 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động; riêng năm 2017 có 149 trường hợp.

Chi phí cho việc xuất cảnh trái phép này khá thấp, giá từ 3 - 5 triệu đồng, người lao động có thể trả ngay hoặc trừ vào tiền lương lao động tại công ty ở Trung Quốc.

Người lao động xuất cảnh trái phép chủ yếu làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân với quy mô sản xuất nhỏ, điều kiện lao động hạn chế, việc chăm sóc sức khỏe không được đảm bảo, lao động phải ăn, ở, sinh hoạt tại các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng nước sở tại.

Anh Hà Ngọc Hoàng ở khu An Thọ 1, xã Xuân An, huyện Yên Lập (Phú Thọ) nghe người trong làng rủ rê sang Trung Quốc làm lương cao nên đã vượt biên trái phép, mong tích góp tiền sau này về quê làm ăn.

Nhưng khi Hoàng sang bên kia biên giới đã bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ, sau khi xác minh giấy tờ mới được trả về Việt Nam.

Anh Hoàng chia sẻ: “Do đi làm ăn bất hợp pháp nên gặp rất nhiều rủi ro, bị lực lượng chức năng Trung Quốc truy đuổi, ra đường không biết tiếng nên lo lắng bị cướp giật, bị chủ quỵt tiền công… Về nhà rồi, tôi sẽ không đi nữa, tìm việc gì đó để làm, xây dựng kinh tế gia đình”.

Vượt qua những đoạn đường dốc đá, hiểm trở, phóng viên đã có mặt tại gia đình anh Vừ A Chua, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (Lào Cai). Hoàn cảnh gia đình anh Chua khó khăn, nhà lại nhiều miệng ăn chỉ trông chờ vào nương ngô.

Anh Chua đã nghe theo lời một số bạn bè ở các xã lân cận rủ đi “chui” sang Trung Quốc làm thuê có thu nhập cao, mong sau này về có tiền để trang trải cuộc sống gia đình.

Nhưng khi sang bên đó được vài tháng, công việc vất vả, ăn uống kham khổ nên anh bị ốm nhưng không dám ra bên ngoài để mua thuốc vì anh không có giấy tờ hợp pháp.

Anh Chua xin nghỉ làm, nhưng chủ lao động không trả tiền, họ còn dọa báo công an. Anh Chua sợ quá đành trốn về nước.

Theo anh Vừ A Chua, dù hai bàn tay trắng nhưng được về an toàn, sống gần vợ con, làm ruộng nương là may mắn và hạnh phúc.

*Mong đoàn tụ gia đình

Nằm khuất sâu phía dưới bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường (Lai Châu), ông Lù Văn Kèo vẫn chưa hết bàng hoàng và lo cho số phận vợ và con dâu đang bị tạm giữ bên Trung Quốc.

Ông Kèo ngậm ngùi: “Trước đây, tôi đã nhiều lần vượt biên sang Trung Quốc làm thuê với công việc làm bao bì, gỗ với mức tiền công 4 - 5 triệu đồng/tháng. Do không bị phát hiện nên vài tháng lại về thăm nhà một lần.

Đầu tháng 4/2018, tôi đưa vợ, con trai, con dâu và cháu nhỏ đi sang Trung Quốc làm thuê thì bị công an bên đó bắt giam. Sau 8 ngày, tôi và cháu nhỏ được thả về nhà trước, còn vợ và con dâu không biết khi nào mới được về”.

Ngồi ôm cháu trước sân nhà, ông Kèo nhìn xa xăm về phía ngọn núi hướng về biên giới, mong vợ và con dâu trở về, để ông cháu bớt hiu quạnh.

Ông Lù Văn Kèo khẳng định sẽ ở nhà làm ăn, không vượt biên đi lao động trái phép bên Trung Quốc nữa.

Nhà nước đã hỗ trợ giống cây mắc ca, vay vốn ưu đãi để đào ao nuôi cá, chăm sóc cây chè, canh tác ruộng nương, đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình.

Chị Trần Thùy Ninh ở xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) cùng với 2 con nhỏ đang trông ngóng chồng và cha bình yên trở về.

Năm 2015, chị Ninh cùng chồng gửi con cho ông bà ngoại để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, mong có tiền về xây dựng kinh tế gia đình.

Do làm ăn khó khăn, suốt ngày lo trốn chạy nên chị Ninh đã về Việt Nam, còn chồng của chị cố ở lại kiếm việc để làm, nhưng dần không có tin tức gì nữa.

Chị Ninh cho biết, năm đầu tiên sang Trung Quốc, anh chị làm ăn trục trặc, không có tiền. Năm thứ 2, anh chị tiết kiệm được ít tiền đã gửi về cho ông bà nuôi con ăn học.

Đến năm thứ 3, anh chị đều không có việc làm và còn phải lo trốn lực lượng chức năng truy bắt.

Về nước một thời gian, chị không có tin tức gì về chồng, gia đình rất lo lắng và mong ngày chồng trở về bình an.

Theo cảnh báo của lực lượng chức năng, người lao động Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động “chui” luôn trong tình trạng “thân cô thế cô” nơi đất khách, phải chịu nhiều thiệt thòi.

Họ có thể không được trả lương, lao động vất vả và bị đánh đập, tai nạn lao động và bị tử vong hoặc bị kẻ xấu lợi dụng trở thành nạn nhân buôn bán người, ma túy, mại dâm.

Nhiều người xuất cảnh trái phép sang lao động bên Trung Quốc còn để lại nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, xã hội…

Do đó, người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh giáp biên giới không nghe theo lời người khác sang Trung Quốc làm thu nhập cao, công việc nhẹ nhàng để vượt biên trái phép./.

Bài cuối: Tăng cường tuyên truyền, tạo việc làm cho người dân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục