Hệ quả nguy hiểm của xung đột Mỹ-Iran

21:59' - 07/01/2020
BNEWS Những diễn biến căng thẳng tại Trung Đông sau vụ Mỹ không kích sân bay Baghdad (Iraq) ngày 3/1/2020 có nguy cơ dẫn tới nhiều hệ quả nguy hiểm, tác động xấu đến khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Một cơ sở lọc dầu ở Shuaiba, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Căng thẳng có nguy cơ kéo dài

Lực lượng Mỹ ngày 3/1/2020 đã tiến hành không kích vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad của Iraq, khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qassem Soleimani và chỉ huy lực lượng dân quân Hashed al-Shaabi của Iraq, al-Husssaini thiệt mạng. Iran tuyên bố sẽ trả thù vụ không kích, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ đáp trả mạnh nếu người Mỹ và các lợi ích của Mỹ bị tấn công.

Tổng thống Trump hôm 5/1 còn cảnh báo sẽ tấn công 52 mục tiêu của Iran, trong đó có những địa điểm văn hóa quan trọng của nước Cộng hòa Hồi giáo này nếu Tehran trả đũa vụ việc.

Theo luật pháp quốc tế, trong đó có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2017 và Công ước La Haye năm 1954 về bảo vệ các tài sản văn hóa, việc tấn công các địa điểm, di sản văn hóa bị coi là một tội ác chiến tranh.

Về phía Iraq, Thủ tướng nước này Adel Abdul Mahdi nêu rõ cuộc không kích sân bay Baghdad là một hành động gây hấn nhằm vào Iraq và vi phạm chủ quyền nước này, sẽ dẫn tới nguy cơ chiến tranh tại Iraq, trong khu vực cũng như trên thế giới.

Ông Mahdi cũng nói thêm rằng cuộc tấn công này vi phạm các điều kiện đối với sự hiện diện của Mỹ tại Iraq và cần phải được xử lý bằng luật pháp để đảm bảo an ninh và chủ quyền.

Quốc hội Iraq ngày 5/1 đã thông qua một nghị quyết, trong đó nhấn mạnh chính phủ nước này phải chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại Iraq và đảm bảo rằng quân đội nước ngoài không sử dụng lãnh thổ, không phận và lãnh hải Iraq vì bất cứ lý do gì.

Nghị quyết của Quốc hội Iraq đồng nghĩa với việc yêu cầu 5.200 binh sĩ Mỹ triển khai tại Iraq rút khỏi nước này. Trong khi đó, Tổng thống Trump đe dọa trừng phạt Iraq nếu Baghdad trục xuất quân đội Mỹ khỏi nước này, còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 6/1 tuyên bố nước này chưa có kế hoạch rút quân khỏi Iraq.

Theo nhận định của giới phân tích, vụ không kích sân bay Baghdad đã đẩy khu vực Trung Đông rơi vào khủng hoảng, làm trầm trọng thêm căng thẳng Mỹ-Iran và làm xấu đi nghiêm trọng quan hệ Mỹ-Iraq.

Kịch bản Iran phát động một cuộc chiến toàn diện chống lại các lực lượng quân sự vượt trội của Mỹ là khó xảy ra nhưng chắc chắn những xung đột tại Trung Đông đầy bất ổn không thể chấm dứt trong một sớm một chiều.

Thỏa thuận hạt nhân “chết yểu”

Sau vụ Tướng Qassem Soleimani của IRGC thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ, Iran ngày 5/1 tuyên bố nước này sẽ từ bỏ những giới hạn về làm giàu urani, tiếp tục giảm bớt các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), song vẫn tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Truyền hình nhà nước Iran hôm 5/1 cho biết, nước này sẽ không tuân thủ bất kỳ giới hạn nào được quy định trong thỏa thuận hạt nhân về hoạt động hạt nhân của Tehran: cho dù là việc hạn chế về số lượng máy ly tâm làm giàu urani đến năng lực làm giàu hạt nhân, số lượng urani làm giàu dự trữ hay các hoạt động nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, Tehran cũng nói rằng nước này sẽ nhanh chóng đảo ngược các bước đi của mình nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho rằng “thỏa thuận hạt nhân gần như chết yểu”, song khẳng định châu Âu sẽ làm mọi cách có thể để làm chậm quá trình làm giàu hạt nhân và “nỗ lực cứu vãn những gì có thể cứu được”.

Làm dấy lên nghi ngờ về chính sách châu Á của Mỹ

Có nhiều ý kiến cho rằng, vụ Mỹ không kích sân bay Baghdad sẽ đòi hỏi sự đánh giá và nhìn nhận kỹ lưỡng lớn hơn đối với những nghi ngại lâu nay về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, cách tiếp cận của Washington đối với châu Á cũng như mối quan hệ của Mỹ với các nước chủ chốt trong khu vực này.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Iran tại Tehran ngày 6/1/2020. Ảnh: IRNA/ TTXVN

Nước Mỹ nhận thức được sự cần thiết tập trung nhiều hơn vào châu Á giữa lúc khu vực này có tầm ảnh hưởng gia tăng. Nhà Trắng đã phát đi tín hiệu về sự cam kết của mình đối với chính sách đối ngoại “châu Á trước tiên” thông qua tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở.

Tuy nhiên, dư luận lo ngại sự cam kết cũng như tập trung này luôn tồn tại cùng với những ưu tiên mà Mỹ dành cho các khu vực khác trên thế giới. Kèm theo đó là tính chất khó đoán định và đầy bất ngờ về quá trình hoạch định chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Trump.

Trong bối cảnh thế giới đã bước sang năm mới 2020 và tiến tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, một trong những câu hỏi quan trọng cần xem xét là chính quyền Trump sẽ định hình cách tiếp cận với châu Á như thế nào trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình.

Vụ không kích sân bay Baghdad, phản ứng tiềm tàng của Iran và tác động đối với khu vực Trung Đông rộng lớn sẽ làm gia tăng sự hoài nghi và không chắc chắn về chính sách đối ngoại của chính quyền Trump, cam kết của nước Mỹ đối với cách tiếp cận “châu Á trước tiên” cũng như mối quan hệ của Washington với các nước châu Á chủ chốt.

Căng thẳng Mỹ-Iran hiện nay làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự phân tâm và chệch hướng chính sách đối với châu Á nếu chính quyền Trump tăng cường tập trung đối phó với Iran và những căng thẳng khu vực có thể khiến Mỹ-Iran khó có thể điều chỉnh cách tiếp cận của mình như họ mong muốn.

Cú sốc về kinh tế, tài chính và an ninh

Một cuộc xung đột kéo dài giữa Mỹ và Iran có thể gây ra một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu là cảnh báo của hãng phân tích thị trường Moody’s ngày 6/1/2020.

Theo nhà phân tích Alexander Perjessy của Moody’s: “Một cuộc xung đột kéo dài sẽ gây ra những tác động trên diện rộng qua một cú sốc lớn về kinh tế và tài chính”, Một trong những hậu quả toàn cầu của cuộc xung đột là sự thay đổi giá dầu mỏ. Ngoài ra, các ngành công nghiệp khác như du lịch ở các quốc gia Trung Đông cũng bị ảnh hưởng mạnh.

Giới quan sát cho rằng bất kỳ sự leo thang lớn nào sau vụ tấn công sân bay Baghdad sẽ có kéo theo những hậu quả toàn cầu, với khả năng giá dầu thô tăng cao và các tuyến đường thương mại và dầu lửa ở Vịnh Persia bị phong tỏa, cùng với đó là những lo ngại về an ninh, kinh tế của khu vực và toàn cầu.

Các nhà quan sát cho rằng, khi tiến hành không kích sân bay Baghdad, chính quyền Tổng thống Trump “đã hy sinh mối quan hệ đối tác chống khủng bố quý báu của Mỹ với Iraq”.

Kể từ năm 2014, quân đội Mỹ đã đồn trú tại Iraq theo lời mời của chính phủ nước này để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và huấn luyện quân đội Iraq.

Iraq vẫn là chiến trường chính cho cuộc giao tranh chống lại IS, mà chỉ cách đây vài năm, chúng đã đe dọa toàn bộ khu vực này khi thể hiện mình là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.

Hiện đã có một số dấu hiệu cho thấy sự hồi sinh của IS. Những tranh cãi xung quanh vấn đề rút quân đội Mỹ khỏi Iraq có thể là một cơ hội lớn cho sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục