Hiệp định EVFTA: Sức bật mới cho thủy sản Việt Nam​

15:47' - 18/09/2020
BNEWS Sau khi giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đã có sự phục hồi tăng nhẹ trong tháng 7. Xuất khẩu tôm sang EU tháng 8/2020 đã tăng khoảng 20% so với tháng 8/2019.

Xuất khẩu thủy sản sang Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 8 tăng khoảng 10% về đơn hàng so với tháng 7/2020; trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm, mực, cá ngừ… Kết quả mở màn về sự tăng trưởng vượt bậc một số mặt hàng thủy sản tại thị trường EU gần đây đã cho thấy Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đang tạo ra sức bật mới cho thủy sản Việt Nam. 

EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản. Thị trường này luôn chiếm trên 17-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30-35%.

Theo Hiệp định EVFTA, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0-22%; trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22% được về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm.

Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Ấn Độ, Thái Lan… Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, để tận dụng được lợi ích về thuế quan, các doanh nghiệp thủy sản đã sớm chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.

Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU và Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU có mức thuế là 12-20% sẽ về 0% như tôm sú đông lạnh, còn một số sau 5 đến 7 năm sẽ được điều chỉnh về 0%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đã có sự phục hồi tăng nhẹ trong tháng 7.  Xuất khẩu tôm sang EU tháng 8/2020 đã tăng khoảng 20% so với tháng 8/2019. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19.

Hiện nay, hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu đạt chứng nhận ASC (tiêu chuẩn cho nuôi trồng thủy sản dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm). Việt Nam đã và đang được nhân rộng diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này để đáp ứng yêu cầu thị trường EU.

Do dịch COVID-19 nên nhu cầu tôm tại lĩnh vực dịch vụ nhà hàng giảm mạnh trong khi nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà. Các chuyên gia nhận định, nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ còn tốt hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Cá ngừ cũng là mặt hàng có nhiều triển vọng tăng trưởng nhờ Hiệp định EVFTA. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU đã giảm từ 24% trong năm 2018 xuống còn 19% trong năm 2019. Khi EVFTA có hiệu lực, ngành cá ngừ Việt Nam đang kỳ vọng sẽ có sự phục hồi về hoạt động xuất khẩu tại thị trường này.

Điều này đã được chứng minh khi tính riêng nửa đầu tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đã tăng 11% so với cùng kỳ tháng 7 và tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 6,3 triệu USD.

Tuy nhiên, cá ngừ đóng hộp và surimi sẽ chịu cơ chế hạn ngạch thuế quan. Nhưng theo Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ không cần làm các thủ tục đăng ký về hạn ngạch. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chủ động bám sát, trao đổi với doanh nghiệp đối tác phía EU để xác định lượng hạn ngạch mà đối tác được cấp và thống nhất về thời gian giao hàng hợp lý.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các đơn hàng trong giai đoạn này chủ yếu tập trung ở những mặt hàng thịt cá ngừ đông lạnh, thịt cá ngừ hấp đông lạnh các loại, cá ngừ ngâm dầu/sốt đóng hộp… đang được miễn thuế hoàn toàn/miễn thuế theo hạn ngạch ngay khi hiệp định có hiệu lực. 

Riêng với cá tra, xuất khẩu sản phẩm này sang EU từ đầu năm đến nay vẫn giảm rất sâu, đặc biệt là tại Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha…

Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam hi vọng sẽ có một bước nhảy xuất khẩu sang khối thị trường truyền thống rộng lớn này. Bởi nhiều sản phẩm cá tra xuất khẩu như: cá tra nguyên con đông lạnh; cá tra tươi, ướp lạnh; cá tra phile tươi, ướp lạnh; cá tra phile đông lạnh có mức thuế xuống còn 0%; các sản phẩm cá tra chế biến được giảm thuế từ 14% xuống còn 0% trong vòng 3 năm.

Nhưng do giảm quá sâu với mức trên 30% trong 8 tháng 2020 nên đến thời điểm này, xuất khẩu cá tra sang EU vẫn còn giảm.

Với Hiệp định EVFTA, những thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam là các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn.

Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác FTA. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam cũng đang huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nỗ lực ở mức cao nhất để tháo gỡ “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (IUU) để đảm bảo phát triển bền vững và giữ uy tín của ngành thủy sản Việt Nam. Ngành thủy sản cũng đặc biệt lưu ý đến việc cấm sử dụng chất chống ô xi hóa để bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản, đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn khi xuất khẩu vào EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục