Hiệp ước Toàn cầu về di cư bị nhiều nước phản đối

11:42' - 26/11/2018
BNEWS Ngày 25/11, Slovakia đã phản đối Hiệp ước Toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc (LHQ) dự kiến phê chuẩn vào tháng sau. Hiệp ước này cũng bị Australia, Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác phản đối.
Tàu cứu hộ Aquarius chở người di cư cập cảng ở Senglea, Malta ngày 15/8/2018. Ảnh: AFP/TTXVN 

Phát biểu trước báo giới tại Brussels, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini khẳng định quốc gia này sẽ không bao giờ ủng hộ hay nhất trí với hiệp ước của LHQ về người di cư dự kiến sẽ được ký kết tại Marrakesh (Maroc).

Đặc biệt, Slovakia phản đối điều khoản không phân biệt người di cư hợp pháp hay bất hợp pháp vì quốc gia này coi những người di cư vì mục đích kinh tế là bất hợp pháp, gây tổn hại và là nguy cơ đe dọa an ninh với quốc gia đến.

Thủ tướng Slovakia còn cho biết thêm nếu việc nước này cử đại diện tham gia buổi lễ ký kết được hiểu là Slovakia tham gia hiệp ước thì chính phủ nước này sẽ không cử bất kỳ đại diện nào, kể cả Ngoại trưởng Miroslav Lajcak, tham dự sự kiện này.

Trước đó, Ngoại trưởng Lajcak, người luôn ủng hộ hiệp ước trên, từng tuyên bố sẽ từ chức nếu Slovakia không tham gia văn kiện này. Tuy nhiên, Thủ tướng Pellegrini khẳng định sẽ thuyết phục được Ngoại trưởng Lajcak.

Hiệp ước Toàn cầu về người di cư đã được các nước thành viên LHQ thông qua hồi tháng 7 sau 18 tháng đàm phán và dự kiến sẽ được các quốc gia thành viên phê chuẩn trong cuộc họp diễn ra vào tháng tới tại Maroc.

Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thể giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới.

Trước đó, hiệp ước này đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia gồm Mỹ, Hungary, Áo, CH Séc, Ba Lan và Australia trong khi Bulgaria cho biết nghiêng về phe phản đối.

Slovakia cùng các quốc gia Đông Âu khác như Ba Lan, CH Séc và Hungary từng cùng phản đối một kế hoạch phân bổ người di cư trên toàn châu Âu do Đức đề xuất sau cuộc khủng hoảng người di cư hồi năm 2015. Hồi tháng 6 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã từ bỏ kế hoạch này.

Trước sự quay lưng của nhiều nước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng bảo vệ hiệp ước này. Theo bà, cũng giống như hiệp ước cho người tị nạn, Hiệp ước Toàn cầu về di cư là "đáp án đúng" để các nước cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Bà nhấn mạnh cuộc khủng hoảng người tị nạn đã chỉ ra tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề di cư trong bối cảnh quốc tế, và không quốc gia nào có thể làm điều đó một mình.

Bà đồng thời cho rằng Hiệp ước Toàn cầu về di cư là tình huống "hợp tác cùng có lợi" và không có sự ràng buộc về mặt pháp lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục