Hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Phúc

11:53' - 18/02/2022
BNEWS Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án, tạo điều kiện giúp hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

* Trao cơ hội thoát nghèo

Gia đình ông Đỗ Văn Quang ở thôn Đồng Mùi, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) trước đây nhiều năm liền là hộ nghèo, cuộc sống chỉ trông chờ và mấy sào ruộng và sự hỗ trợ của Nhà nước.

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Quang đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư chăn nuôi trâu, bò, gà kết hợp nấu rượu để phát triển kinh tế hộ gia đình. Chỉ sau vài năm, gia đình ông Quang đã thoát nghèo, xây được nhà, mua xe, chăm lo cho con cái học hành và trở thành hộ có kinh tế khá giả trong thôn. 

Ông Đỗ Văn Quang chia sẻ: “Chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện để được vay vốn, do vậy tôi phải sử dụng đồng vốn sao cho có hiệu quả để phát triển kinh tế, thoát nghèo cho gia đình”.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, các cấp chính quyền ở huyện Sông Lô đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, gắn thực hiện chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh được huyện triển khai đồng bộ, rộng khắp với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt... tạo tiền đề cơ bản để đại bộ phận hộ nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Ông Triệu Văn Chúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: Xác định mấu chốt của công tác giảm nghèo phải bảo đảm cho người dân có việc làm, thu nhập và đủ khả năng tự chủ cuộc sống.

Vì vậy, huyện luôn chú trọng các điều kiện để giải quyết việc làm, đẩy mạnh việc xây dựng hai khu công nghiệp là Sông Lô 1 và Sông Lô 2 để tạo việc làm cho người dân. Huyện cũng quan tâm phát triển các làng nghề để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại chỗ, ưu tiên các đối tượng cận nghèo, nghèo. Cùng với đó, huyện xây dựng các mô hình sản xuất kinh tế, từ đó người dân học tập, phát triển nhân rộng.

Để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững, hằng năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ký cam kết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với UBND các huyện, thành phố về mục tiêu giảm nghèo gắn với chính sách tín dụng hộ nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người nghèo.

Một số địa phương đã xây dựng những giải pháp đặc thù để hỗ trợ giảm nghèo bền vững, lồng ghép chương trình giảm nghèo với nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác của tỉnh, từ đó tạo tiền đề cơ bản để các hộ nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

* Xây dựng hướng đi bền vững

Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Mỗi năm, Vĩnh Phúc dành 300-500 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo, hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 2016 -2020, trung bình mỗi năm hơn 43 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại Vĩnh Phúc được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; hàng nghìn lượt người thuộc đối tượng chính sách đã được khám, cấp thuốc miễn phí, miễn, giảm viện phí…

Để công tác giảm nghèo thật sự bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực cùng chung tay chăm lo công tác giảm nghèo. Chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể huy động thêm các nguồn lực, giúp đỡ các hộ nghèo sửa chữa nhà ở, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vốn, kinh nghiệm sản xuất và phát triển kinh tế có hiệu quả…

Nhờ đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc giảm chỉ còn 0,44%. Từ năm 2015, toàn tỉnh không còn xã nghèo, không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách, người có công; 100% địa phương không có hộ dân phải ở trong nhà tạm hoặc dột nát.

Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5-1%/năm (theo chuẩn mới giai đoạn 2021-2025), tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động gắn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội.

Tỉnh cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân phù hợp với từng giai đoạn phát triển; chú trọng đẩy mạnh các hoạt động cho vay vốn ưu đãi để hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo; bảo đảm các hộ nghèo, cận nghèo có việc làm bền vững, bình đẳng trong tiếp cận, thụ hưởng hệ thống các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục - đào tạo, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, thông tin, cung cấp điện, nước sinh hoạt, nhà ở, môi trường.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục