Hiệu quả từ các công trình thủy lợi trong kiểm soát mặn, ngọt

14:35' - 19/03/2020
BNEWS Các dự án đầu tư xây dựng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đã đẩy nhanh tiến độ thi công vượt kế hoạch từ 6-13 tháng và đã đưa 5 dự án vào tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn.
Một công trình thủy lợi ứng phó hạn mặn. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN 
Nhờ dự báo sớm tình trạng hạn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2019 – 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, kịp tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô này.

Các dự án đầu tư xây dựng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đã đẩy nhanh tiến độ thi công vượt kế hoạch từ 6-13 tháng và đã đưa 5 dự án vào tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019, tháng 1/2020. Các công trình này đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn đến 300.000 ha.

Theo ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điển hình như cống âu thuyền Ninh Quới, thuộc hệ thống thủy lợi Quản Lộ- Phụng Hiệp, tỉnh Bạc Liêu vượt tiến độ khoảng 13 tháng (tương đương 2 mùa khô).

Công trình đã chủ động điều tiết, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu ổn định cho các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng; góp phần điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu...

Các cống: Bông Bót, Tân Dinh, Vũng Liêm (Hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít) đã được đơn vị quản lý khai thác đã chủ động vận hành từ tháng 1 (rút ngắn từ 5 - 6 tháng). Các cống đã giúp kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch tiêu úng, cải tạo đất cho trên 28.000 ha diện tích đất tự nhiên thuộc tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, chủ động lấy nước, tiêu nước, lấy phù sa, thau chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp nuôi trồng thủy sản…

Hay hệ thống thủy lợi Bắc Bến tre giai đoạn 1 với 19 cống hở và 7 cống hộp. Đây là dự án sẽ kiểm soát mặn, tiêu cho 139.000 ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại và thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Đồng thời, chủ động lấy nước, tiêu nước, lấy phù sa, tiêu chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản cho khoảng 100.000 ha theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Hệ thống cũng cung cấp nước ngọt phục vụ cho diện tích 20.100 ha nuôi trồng thủy sản của 2 huyện Bình Đại và Ba Tri.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ và các địa phương sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đang được bàn giao tạm thời để vận hành trong mùa khô 2019-2020.

Nạo vét kênh rạch nội đồng ở xã Cẩm Sơn (Cai Lậy, Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Về lâu dài, Bộ sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sản... để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn; cải tạo các cửa cống lấy nước hiện có ở vùng ảnh hưởng triều, bảo đảm chủ động vận hành lấy nước ngọt, nước mặn và tiêu thoát nước.

Các dự án đề nghị ưu tiên là Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2, hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre, Nam Măng Thít, Bảo Định, Nhật Tảo - Tân Trụ,...Đồng thời, xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung (Cà Mau 30 công trình, Sóc Trăng 3 công trình, Kiên Giang 5 công trình); mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước cho cho các hộ dân khu vực lân cận như: Long An mở rộng cho 32.350 hộ dân, Bến Tre mở rộng 40 km đường ống, Kiên Giang mở rộng cho 7.880 hộ dân, Tiền Giang mở rộng 200 km đường ống. 

Cùng với đó, xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh cụt (Trà Vinh, Long An, Bến Tre, Hậu Giang); khai thác nước ngầm tại các khu vực nguồn nước ngầm bảo đảm về chất lượng, trữ lượng. 

Bộ cũng sẽ đề xuất Ngân hàng Thế giới hỗ trợ dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn cho các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện dự án cấp nước cho các đô thị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (có mở rộng cho khu vực nông thôn)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục