Hiệu quả từ liên kết sản xuất lúa-gạo hữu cơ ST25 tại Quảng Bình

15:20' - 06/05/2022
BNEWS Vụ Đông-Xuân 2021-2022, Tổng công ty Sông Gianh thực hiện dự án liên kết kinh doanh lúa-gạo hữu cơ ST25 tại thôn Tiên Phan (xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn) với diện tích 26ha.
Tại hội nghị đầu bờ dự án liên kết sản xuất lúa-gạo hữu cơ ST25 do Tổng công ty Sông Gianh phối hợp với UBND thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) tổ chức mới đây tại xã Quảng Tiên, ông Trương An Ninh, Bí thư Thị ủy Ba Đồn đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và bà con nhân dân thôn Tiên Phan đã thực hiện thành công mô hình liên kết kinh doanh lúa-gạo hữu cơ ST25.

 
Ông Trương An Ninh đề nghị, thời gian tới, các ban, ngành liên quan tiếp tục sản xuất lúa hữu cơ đối với giống lúa ST25 ở xã Quảng Tiên và nhân rộng trên địa bàn các xã, phường trên địa bàn thị xã nhằm sản xuất hàng hoá với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn trên thị trường cả nước và xuất khẩu; làm thay đổi nhận thức của người nông dân, tạo cho người nông dân cách sản xuất tập trung mang tính cộng đồng.

Vụ Đông-Xuân 2021-2022, Tổng công ty Sông Gianh thực hiện dự án liên kết kinh doanh lúa-gạo hữu cơ ST25 tại thôn Tiên Phan (xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn) với diện tích 26ha.

Qua đánh giá, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh khá, năng suất dự ước đạt 70 tạ/ha. Tham gia mô hình này, Tổng công ty Sông Gianh sẽ thu mua toàn bộ lúa cho bà con nông dân với giá thị trường (thu mua lúa tươi ngay tại ruộng với mức giá dự kiến 7.000 đồng/kg).

Ông Nguyễn Đình Lực, Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Gianh cho biết: Quá trình thực hiện mô hình, Tổng công ty Sông Gianh cung cấp giống lúa ST25, phân bón hữu cơ các loại, các chế phẩm sinh học, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân. Tổng công ty cũng bảo lãnh thu nhập tối thiểu cho nông dân bằng với thu nhập giống lúa DV108; Về giá lúa ST27, công ty sẽ thu mua cao hơn giá lúa DV108 từ 20 -30% tùy theo thực tế tình hình tại thời điểm thu mua.

Ngoài diện tích gieo trồng lúa ST25 ở thị xã Ba Đồn, giống lúa này đã được Tổng công ty Sông Gianh gieo tại địa bàn các xã của huyện Tuyên Hóa và cũng đạt năng suất cao.

Ông Trương An Ninh nhấn mạnh: Để hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp ngày càng cao thì quá trình triển khai thực hiện cần có sự tham gia liên kết 4 nhà, gồm: Nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà nông nhằm bảo đảm lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Việc xây dựng thành công mô hình sẽ mở ra hướng liên kết mới, chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp, gắn được quyền lợi nhà nông và doanh nghiệp một cách hài hòa, bền vững; bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu; góp phần thực hiện tốt hành động "Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch", đặc biệt từng bước xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Sông Gianh…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục