Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA để tăng cạnh tranh

15:19' - 29/12/2022
BNEWS Việt Nam gia nhập các FTA thế hệ mới không chỉ giúp hội nhập kinh tế chung của cả nước mà còn góp phần mở ra nhiều cơ hội để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư tại các địa phương.

Hiện nay, việc Việt Nam gia nhập các FTA thế hệ mới không chỉ giúp hội nhập kinh tế chung của cả nước mà còn góp phần mở ra nhiều cơ hội để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư tại các địa phương. Cùng đó, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để sản xuất và ưu tiên sử dụng hàng hoá trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt.

Từ khi triển khai thực hiện các Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), tỉnh Đồng Nai đã thu hút  đầu tư chủ yếu vào các Khu công nghiệp phù hợp với chủ trương của tỉnh đã đặt ra.

Cụ thể là các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); trong đó, tập trung vào ngành công nghiệp phụ trợ của 3 ngành lớn là công nghiệp cơ khí, điện tử và công nghiệp dệt may, giày dép với 31 dự án, tổng vốn đầu tư ước khoảng 269 triệu USD, chiếm tỷ lệ 60% tổng số dự án và 61% tổng vốn đầu tư.

Để đạt được những kết quả này, tỉnh đã tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về FTA cho doanh nghiệp trên địa bàn. Chẳng hạn như Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai làm đầu mối thông tin về Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến các Hiệp định mà Việt Nam tham gia giúp cho các doanh nghiệp Đồng Nai dễ dàng thiết lập được các hợp đồng thương mại, mở rộng sản xuất, cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh truyền thông tới cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA; kiến thức về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan; đặc biệt là doanh nghiệp thuộc các cơ sở sản xuất cần được tăng cường năng lực phòng vệ thương mại trong quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do.

Điều này giúp cho doanh nghiệp có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu kỹ thuật, quy định về quản lý hàng hóa của các đối tác , cũng như dự báo được nhu cầu thị trường trong nước và ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai tập trung các nội dung: xây dựng, sửa đổi hay thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các chính sách tác động có liên quan đến đến các nước CPTPP.

Việc này nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng quản lý và phát triển lĩnh vực dịch vụ và đầu tư của Việt Nam, tránh xảy ra tranh chấp với các nhà cung cấp dịch vụ hoặc nhà đầu tư nước ngoài; tập trung thực kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Đặc biệt, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các vùng chuyên canh đối với các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu tiêu chuẩn sản xuất đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm như VietGAP, Global GAP, hữu cơ… phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, giúp sản phẩm đặc trưng của tỉnh được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

Mặt khác, tỉnh đã Tổ chức thành công Chương trình giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Đồng Nai tại Trung tâm MM Mega Market Biên Hòa; tổ chức làm việc về kết nối tiêu thụ nông sản vào bếp ăn tập thể Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, các doanh nghiệp trong tỉnh cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về các Hiệp định. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần lưu ý những cam kết về phát triển bền vững như các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, về bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác, học hỏi lẫn nhau, thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, liên kết tạo thành chuỗi sản xuất, kinh doanh để có thể tụ hội đủ nguồn lực đối mặt với áp lực cạnh tranh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục