Hỗ trợ doanh nghiệp về những quy định an toàn thực phẩm trong các FTA

12:15' - 02/06/2022
BNEWS Đến 31/5, Văn phòng SPS Việt Nam đã cập nhật được 405 thông báo của các thành viên WTO về các dự thảo và quy định có hiệu lực về SPS có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu nông, lâm và thủy sản của Việt Nam.

Ngày 2/6, tại tỉnh Lâm Đồng, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị Phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Theo ông Ngô Xuân Nam,  Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, những năm gần đây, những thay đổi về các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, bao bì… đều được các quốc gia rất quan tâm. Bởi điều này không chỉ phục vụ xuất khẩu mà cho cả tiêu dùng trong nước ở quốc gia đó. Hàng năm, các quốc gia thành viên WTO công bố thay đổi khoảng 1.000 các biện về an toàn thực phẩm. Do đó, việc sản xuất sẽ phải nắm được những thay đổi của thị trường, điển hình như mức dư lượng tối đa, quy định về nhà xưởng sơ chế, chế biến… 

Điển hình trong Lệnh 248, Lệnh 249, Tổng cục Hải quan Trung quốc đã thay đổi các yêu cầu về nhà xưởng sơ chế, chế biến nông sản để kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm. Các quy định này bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ thì mới xuất khẩu được sang Trung Quốc.

Theo ông Ngô Xuân Nam, hiện Việt Nam đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt trên 2.000 mã sản phẩm được phép  xuất khẩu sang thị trường này. Các doanh nghiệp sau khi đăng ký thành công, dự kiến tháng 6/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ lựa chọn và kiểm tra trực tuyến các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần tổ chức thực hiện sản xuất đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.

Chẳng hạn với thị trường EU, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là thị trường khó tính. Nhưng nếu nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về thị trường thì chúng ta hoàn toàn có thể dễ dàng xuất khẩu sang thị trường này. Điển hình như gần đây EU thay đổi mức dư lượng Ethylene Oxide trong sản phẩm mì ăn liền thì doanh nghiệp cần phải nắm được ngay để điều chỉnh trong sản xuất, cũng như giám sát các mối nguy… để tạo ra sản phẩm đáp ứng quy định của EU. Nếu doanh nghiệp không cập nhật kịp thời sự thay đổi này thì rất dễ bị vi phạm quy định trên, ông Ngô Xuân Nam cho hay.

Tại hội nghị, ông Nông Đức Lai, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã chia sẻ với các doanh nghiệp về khả năng sản xuất, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản; đặc biệt là 9 sản phẩm nông sản được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Ông Nông Đức Lai cũng lưu ý, doanh nghiệp phải nắm rõ các quy định nhập khẩu nhất là nông sản, thực phẩm; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, nguồn gốc, nhà xưởng…. Doanh nghiệp cần có đội ngũ cán bộ chuyên trách về thị trường này và có trình độ ngoại ngữ tốt.

Trong bối cảnh nước nhập khẩu còn đang kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhằm chống dịch COVID-19, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt về phòng chống dịch, nhất là hàng nông sản tươi, đông lạnh từ khâu sản xuất, sơ chế, đóng gói đến xuất khẩu tránh những tình huống xảy ra không đáng có. Nếu lô hàng bị phát hiện có virus SARS-CoV-2 thì doanh nghiệp sẽ bị tạm dừng xuất khẩu, ông Nông Đức Lai nhấn mạnh.

Cập nhật về những thông báo về Biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của các thành viên WTO, ông Đào Văn Cường, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến 31/5/2022, Văn phòng SPS Việt Nam đã cập nhật được 405 thông báo của các thành viên WTO về các dự thảo và quy định có hiệu lực về SPS có thể ảnh hưởng đến  xuất khẩu nông, lâm và thủy sản của Việt Nam. So với cùng kỳ năm ngoái, số thông báo tăng 12%. Đứng đầu về số lượng thông báo là ASEAN, tiếp đến là Nhật Bản, EU, Canada, Mỹ…

Riêng thông báo của EU đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm và thủy sản của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm từ đầu năm đến 31/5 có 36 thông báo; trong đó, nhiều nhất là mì ăn liền, tiếp đến là thủy sản, quả tươi. Trong khi đó, cả năm 2021, Việt Nam chỉ nhận được 40 thông báo của EU đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm và thủy sản của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

Chia sẻ về kênh thông tin giúp doanh nghiệp có thể cập nhật nhanh nhất những quy định mới của thị trường EU, ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus (Tentamus Group GmbH) thông tin về phần mềm Tra cứu mức dư lượng tối đa. 

Hệ thống tra cứu sẽ cung cấp thông tin cho đúng đối tượng, đúng trọng tâm nội dung doanh nghiệp có nhu cầu. Khi EU có thay đổi thông tin, hệ thống tự động gửi vào mail cho doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, nhân lực theo dõi các thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước thông báo.

Khi nhận được thông tin nếu thông tin không hợp lý, hay những thay đổi của nước nhập khẩu về mức dư lượng tối đa có thể tác động mạnh đến xuất khẩu hay không hợp lý với thông lệ quốc tế…  thì doanh nghiệp có thể phản hồi ngay trên hệ thống. Sự phản hồi này sẽ được kết nối trực tiếp với Văn phòng SPS Việt Nam, ông Lương Phước Vinh cho biết.

Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, thời gian tới, Văn phòng tiếp tục lựa chọn những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, liên quan trực tiếp đến xuất khẩu những nông sản chủ lực để tổ chức các hội nghị nhằm phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong các hiệp định thương mại tự do./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục