Vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy: Nguyên nhân thành công và bài học rút ra
Chỉ sau chưa đầy 3 tháng, nhờ những nỗ lực hết mình và hỗ trợ tích cực của các bên liên quan tại cả Việt Nam và Italy, vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy, qua môi giới của công ty Kim Hạnh Việt, đã được xử lý thành công, sau khi toàn bộ 35 container hàng bị mất kiểm soát chứng từ gốc được giải phóng.
Các công ty Việt Nam đã tránh được rủi ro lớn nhất – là mất tất cả hàng hóa – trong thời gian ngắn nhất, giảm tối đa thiệt hại về kinh tế.
Ngày 8/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) có công văn thông báo việc một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán, khi 6 công ty xuất khẩu Việt Nam bán 100 container hạt điều cho nhóm 5 công ty nhập khẩu Italy, đã bị mất quyền kiểm soát 35 bộ chứng từ gốc (tương đương 35 container), với giá trị hàng hóa ước tính khoảng 162 tỷ đồng.
Những thắng lợi quan trọng
Thắng lợi lớn đầu tiên là sau khi phát hiện ra những dấu hiệu lừa đảo với những container hàng đầu tiên được gửi sang Italy, các doanh nghiệp Việt Nam đã dừng ngay việc giao hàng, giữ lại được 26 container.
Thắng lợi thứ hai là trong số 74 container đã giao sang Italy, phía Việt Nam đã kịp thời giữ được một số container tại cảng trung chuyển ở Singapore và cho quay trở lại Việt Nam, cũng như đòi lại các bộ chứng từ gốc mà công ty DHL tại Italy chưa giao cho ngân hàng của nhóm mua.
Cuối cùng, các công ty Việt Nam chỉ bị mất kiểm soát 35 bộ chứng từ gốc. Toàn bộ 39 container còn chứng từ gốc đã được bán lại tại Italy, tái xuất khẩu hoặc đưa về Việt Nam.
Tuy nhiên, thắng lợi lớn nhất là việc xử lý thành công 35 container hàng bị mất chứng từ gốc. Ngay khi nhận được thông tin về vụ việc, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã nhanh chóng vào cuộc. Nhờ những nỗ lực này, ngày 10/3, cảnh sát kinh tế tài chính Italy đã ra quyết định giữ tại cảng 4 container hạt điều đầu tiên được vận chuyển đến cảng Genoa.
Đến ngày 22/3, toàn bộ 35/35 container bị mất chứng từ gốc đều đã an toàn nằm trong các cảng của Italy để các doanh nghiệp Việt Nam có thời gian chứng minh hàng là của mình, giành lại quyền sở hữu và giải phóng hàng. Đồng thời, các công ty Việt Nam đã nộp đơn kiện ra các tòa dân sự và tòa hình sự Italy tại các địa phương mà 5 công ty nhập khẩu trên của Italy đăng ký kinh doanh.
Ngày 3/4, các doanh nghiệp Việt Nam đã giành lại được quyền sở hữu 9 container hàng bị mất chứng từ gốc bằng hình thức đàm phán, xác nhận với phía người mua rằng họ không liên quan đến lô hàng và cũng chưa bao giờ mua hàng của Việt Nam. Các công ty Việt Nam cũng đã nộp tiền đặt cược (150% giá trị lô hàng cho hãng vận chuyển) để được giải phóng 21 container.
Với những container còn lại, đến ngày 27/5, tòa hình sự tại thành phố Genoa đã ra phán quyết “phải trả lại hàng ngay lập tức cho 2 công ty xuất khẩu hạt điều. Các công ty Việt Nam có thể lấy lại hàng hoặc bán cho người mua mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra phán quyết”.
Tòa dân sự tại Larino cũng đã ra phán quyết “khẳng định quyền của công ty xuất khẩu (Việt Nam) trong việc giành lại quyền sở hữu hàng hóa đối với các container hạt điều và bác bỏ mọi phản đối và yêu cầu ngược lại của người mua”.
Quan trọng nhất là công tố viên tại thành phố Naples, đang phụ trách điều tra về các hành động bất hợp pháp của người mua, đã ra lệnh cho cơ quan cảnh sát, bộ phận chống gian lận truy tìm và thu giữ tất cả (35) bộ vận đơn gốc đã bị đánh cắp, khẳng định rằng “các công ty xuất khẩu (Việt Nam) là nạn nhân của một âm mưu lừa đảo”.
Điều này có thể giúp các công ty Việt Nam, vốn đã trả tiền đặt cọc, có thể rút khoản tiền bảo lãnh ra sớm hơn thời gian quy định là 18 tháng cho trường hợp đặt cọc tiền mặt và 6 năm cho trường hợp làm bảo lãnh ngân hàng.
Nguyên nhân thành công
Có được kết quả trên trước hết là do sự chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và sự vào cuộc tích cực, nhanh chóng, quyết liệt của các bộ ngành để hỗ trợ các doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể. Những nỗ lực đó cũng khiến các cơ quan công quyền Italy cảm nhận được sức nóng và cùng phối hợp tham gia hỗ trợ giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy cơ quan an ninh Italy cùng phối hợp để đưa nhóm lừa đảo ra vành móng ngựa, như lời Thủ tướng Mario Draghi đã khẳng định với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc điện đàm tháng 4 vừa qua.
Thêm vào đó là sự vào cuộc nhanh chóng của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italy, huy động mọi nguồn lực, từ trực tiếp đến làm việc với các cơ quan hữu quan của Italy như các hãng vận chuyển, cảnh sát kinh tế tài chính, chính quyền các cảng, đến phối hợp và hỗ trợ luật sư lập hồ sơ khởi kiện tại các tòa dân sự, hình sự tại các địa phương, và đánh động toàn bộ hệ thống cảng và ngân hàng của Italy về vụ việc.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Italy, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng nói: “Được sự quan tâm và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã xác định đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng đầu và đã dành rất nhiều thời gian và nguồn lực để tìm mọi cách hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Rất phấn khởi là cho đến thời điểm này không có container nào của các doanh nghiệp Việt Nam bị mất, qua đó quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam được đảm bảo.
Kết quả đạt được như thế này, tôi nghĩ là có nhiều nguyên nhân đóng góp và cũng cho thấy một sự hợp tác rất hiệu quả giữa các cơ quan chức năng của hai nước. Nhưng trên hết là sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đặc biệt là cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mario Draghi, đồng thời là sự chỉ đạo thường xuyên của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong việc xử lý vấn đề này và đảm bảo cho môi trường kinh doanh an toàn và lành mạnh cho các doanh nghiệp của hai nước”.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh chia sẻ: “Theo đề nghị của Hiệp hội Điều Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 5 bộ ngành liên quan để hỗ trợ cho Hiệp hội và các doanh nghiệp hạt điều xuất khẩu bị ảnh hưởng trong vụ việc này, trong đó có Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Italy đều hết sức nỗ lực và đã triển khai xử lý vụ việc ngay lập tức, gửi công hàm đi khắp các cảng biển, các cơ quan hải quan, cảnh sát kinh tế, cảnh binh, tòa án. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có công thư gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao Italy, Bộ trưởng Kinh tế Italy và các cơ quan liên quan để đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc. Đại sứ quán Italy tại Việt Nam cũng như Bộ Ngoại giao Italy cũng phối hợp với Bộ Công thương, với Bộ Ngoại giao Việt Nam, với Đại sứ quán và Thương vụ (Việt Nam tại Italy)”.
Các bài học rút ra
Vụ hạt điều là một vụ nghi lừa đảo lớn trong thời gian qua liên quan đến nhiều doanh nghiệp và một ngành xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam nên được dư luận cả nước rất quan tâm.
Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thanh đánh giá: “Từ vụ việc hạt điều bị nghi lừa đảo lớn như thế thì chúng ta có thể thấy rằng các doanh nghiệp Việt Nam không phải là trình độ quá kém, mà nhiều khi là quá cả tin. Vì tin vào một công ty môi giới đã làm được một số việc cho một vài doanh nghiệp trong ngành, nhiều doanh nghiệp đã tin tưởng và ký hợp đồng với những doanh nghiệp Italy do doanh nghiệp môi giới giới thiệu, mặc dù doanh nghiệp môi giới cũng không nắm được thông tin đầy đủ về những doanh nghiệp đối tác của họ tại Italy”.
Theo Tham tán Nguyễn Đức Thanh, các doanh nghiệp Việt Nam phải kiểm tra đối tác một cách kỹ lưỡng hơn, kể cả thông qua môi giới thì cũng phải yêu cầu được liên hệ trực tiếp với người mua; phải kiểm tra địa chỉ mà họ đăng ký trong hợp đồng rồi nhờ các cơ quan như Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại, hay nhờ Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam, rồi các công ty tư vấn, các công ty môi giới, các tổ chức đánh giá tài chính khác để tìm hiểu uy tín của các doanh nghiệp. Việc điều tra trước, trong và sau quá trình thực hiện hợp đồng là những yếu tố rất quan trọng. Qua vụ việc này, các doanh nghiệp và công luận biết nhiều hơn đến vai trò của các cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến xuất nhập khẩu với các thị trường các nước.
Cũng qua vụ việc trên, luật sư Davide Gallasso, người đã bảo vệ thành công 6 công ty xuất khẩu điều Việt Nam bị mất kiểm soát các bộ chứng từ gốc, khuyến cáo rằng các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá, cần lựa chọn phương thức thanh toán an toàn, tìm hiểu kĩ đối tác nhập khẩu; đồng thời, nên chủ động trong việc thuê tàu vận chuyển, nghĩa là xuất khẩu theo hình thức điều kiện CNF hoặc CIF. Bởi vì việc doanh nghiệp chủ động thuê tàu là đã có quyền kiểm soát chứng từ gốc và hàng hoá tốt hơn.
Luật sư Gallasso nói: “Để tránh những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai, điều tối quan trọng là các công ty Việt Nam kinh doanh trên thị trường quốc tế phải quan tâm hơn đến các khía cạnh khác nhau của quá trình đàm phán hợp đồng. Thứ nhất, các công ty cần tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng về người mua trước khi ký hợp đồng: như về độ tin cậy, uy tín, các hợp đồng tương tự đã ký kết, tình hình tài chính khả năng tín dụng thực tế của người mua. Thứ hai, nên chọn các phương thức thanh toán an toàn hơn như TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc LC (thư tín dụng) vì với các hình thức này, phía người bán sẽ biết được thông tin ngân hàng của người mua như vậy có thêm một yếu tố để kiểm tra đảm bảo an toàn. Thứ ba, khi sử dụng dịch vụ của bên môi giới, không nên để bên môi giới thương lượng các điều khoản và điều kiện của hợp đồng vì thường các hợp đồng này đã được cài rất nhiều điều khoản có lợi cho người mua hoặc môi giới. Bất lợi sẽ nằm hoàn toàn về phía người bán. Thứ tư, phải đám phán và nêu rõ trong hợp đồng các điều khoản khác như luật áp dụng, tòa án hay trọng tài áp dụng, thời điểm chuyển chứng từ gốc, thời điểm chuyển quyền sở hữu lô hàng, thời hạn hợp đồng có hiệu lực, thời điểm xác nhận chất lượng hàng hóa và không chấp nhận khiếu nại về chất lượng hàng hóa. Thứ năm là đừng ngại đàm phán”.
Luật sư Gallasso cho rằng khi các nhà xuất khẩu dám đàm phán và có đầy đủ căn cứ và lập luận để đàm phán thì các đối tác sẽ càng tôn trọng và càng muốn làm việc lâu dài. Vì bất kỳ một công ty lớn và chuyên nghiệp nào cũng mong muốn có nhà cung cấp chuyên nghiệp để họ có thể kiểm soát được rủi ro và có nguồn cung đáng tin cậy.
Các nhà xuất khẩu không bao giờ nên nghĩ đàm phán là mất khách hàng. Nếu các nhà xuất khẩu chưa có đủ nhân sự để làm việc này thì có thể thuê bên đàm phán chuyên nghiệp làm bởi vì việc “phòng hỏa bao giờ cũng dễ dàng và ít tổn thất hơn là cứu hỏa”./.
Tin liên quan
-
Ý kiến và Bình luận
Vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy: Thành công từ sự nỗ lực
18:12' - 31/05/2022
Những container hạt điều còn lại trong số 35 container hàng bị mất quyền kiểm soát chứng từ gốc hồi đầu tháng 3 vừa qua đã được giải phóng.
-
Hàng hoá
Cái kết đẹp của vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy
20:29' - 30/05/2022
Những container hạt điều còn lại trong số 35 container hàng bị mất kiểm soát chứng từ gốc hồi đầu tháng 3 vừa qua đã được giải phóng.
Tin cùng chuyên mục
-
Doanh nghiệp
Cần Thơ nâng chất điều hành, mở đường cho doanh nghiệp
17:29' - 14/07/2025
Ngày 14/7, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức lễ công bố và trao quyết định về công tác cán bộ cho Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Cần Thơ.
-
Doanh nghiệp
Việt Nam xây nền móng hạ tầng cho kỷ nguyên AI
12:33' - 13/07/2025
Dự án Trung tâm Dữ liệu siêu quy mô ở Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh do Tập đoàn CMC đầu tư là bước đi chiến lược trong lộ trình xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển AI và công nghệ lõi của Việt Nam.
-
Doanh nghiệp
Ai Cập ký 12 thỏa thuận trị giá 631 triệu USD phát triển dầu khí
09:32' - 13/07/2025
Ai Cập ký 12 thỏa thuận trị giá 631 triệu USD với các tập đoàn năng lượng quốc tế để khoan 43 giếng dầu khí, nhằm tăng sản lượng nội địa và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
-
Doanh nghiệp
Đồng Tháp lắng nghe, hành động vì doanh nghiệp
08:16' - 12/07/2025
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đã có buổi làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Khu công nghiệp Long Giang và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
-
Doanh nghiệp
Ferrero (Italy) thâu tóm WK Kellogg với giá 3,1 tỷ USD
07:17' - 12/07/2025
Ferrero, hãng bánh kẹo của Italy, vừa công bố sẽ mua lại công ty sản xuất ngũ cốc WK Kellogg của Mỹ với giá 23 USD mỗi cổ phiếu.
-
Doanh nghiệp
Phê duyệt chủ trương sáp nhập VNPT-Vinaphone, VNPT-Media vào Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT
21:03' - 11/07/2025
Tại Văn bản số 6468/VPCP-ĐMDN ngày 11/7/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đồng ý chủ trương sáp nhập VNPT-Vinaphone, VNPT-Media vào Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT.
-
Doanh nghiệp
Coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ” thay vì “quản lý”
20:11' - 11/07/2025
Bộ Xây dựng quán triệt toàn thể công chức, viên chức, người lao động đổi mới mạnh mẽ tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ” thay vì đối tượng “quản lý”.
-
Doanh nghiệp
"Ông lớn" bán lẻ sản phẩm thời trang Trung Quốc liên tiếp vướng rắc rối pháp lý
16:00' - 11/07/2025
Shein có nguy cơ đối mặt với khoản phạt lên tới 150 triệu euro (175 triệu USD) tại Pháp do không tuân thủ đúng quy định về việc xin phép người dùng trước khi theo dõi hoạt động của họ trên Internet.
-
Doanh nghiệp
Công ty mẹ của Uniqlo dự định tăng giá để “giảm đau” do thuế quan
15:46' - 11/07/2025
Các mức thuế quan cao hơn của Mỹ sẽ bắt đầu tác động đáng kể đến hoạt động của Tập đoàn Fast Retailing tại thị trường Mỹ từ cuối năm nay và công ty đã lên kế hoạch tăng giá để giảm thiểu ảnh hưởng.