Hỗ trợ thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, khơi thông thị trường

22:07' - 29/04/2020
BNEWS Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần đánh giá bối cảnh mới, từ đó xác định cụ thể các yêu cầu, mục tiêu, cơ hội cụ thể, định lượng được theo từng nhóm ngành hàng, lĩnh vực để đề ra cho phù hợp.

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cả nước đang chuyển sang một giai đoạn mới, phòng chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn, đồng thời tiếp tục thực hiện mục tiêu kép bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, kiểm soát tốt dịch bệnh và tích cực triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần đánh giá bối cảnh mới, từ đó xác định cụ thể các yêu cầu, mục tiêu, cơ hội cụ thể, định lượng được theo từng nhóm ngành hàng, lĩnh vực để đề ra cho phù hợp.

Dẫn câu chuyện liên quan đến Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, hướng đến chủ thể là doanh nghiệp, địa phương và người dân thì cơ hội của Hiệp định là gì, tác động như thế nào đến đời sống, kinh tế - xã hội. Từ việc xác định được chủ thể thì cơ chế, chính sách đòi hỏi phải có sự tương thích, gắn với tình hình thực tế.

Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Dù vậy, hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, nhiều nước có quan hệ thương mại với Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được nên cần phát triển thị trường nội địa là chính.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ tư vấn mong muốn được nghe các ý kiến từ phía Bộ về gói kích cầu kinh tế của Chính phủ cũng như các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong trạng thái mới. Cùng với các ý kiến của bộ, ngành khác, Tổ tư vấn sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng để sớm đưa ra các giải pháp cụ thể, khôi phục nền kinh tế hậu COVID-19.

Tại buổi làm việc, đại diện Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Điều tiết điện lực... đã thông tin cụ thể về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại, hội nhập, điều tiết thị trường, từ đó tham mưu với Tổ tư vấn các chính sách liên quan.

Đặt vấn đề khởi động lại nền kinh tế sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, cần làm rõ trạng thái mới của xã hội như thế nào, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, có 4 yếu tố của trạng thái này là việc đứt gãy của chuỗi cung ứng; sự thay đổi của phương thức sản xuất và tiêu dùng trong xã hội; tổng cầu của cả nền kinh tế giảm, ảnh hưởng đến sản xuất; kích thích tăng thêm xu thế bảo hộ mậu dịch.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, gói hỗ trợ của Chính phủ trong bối cảnh này dành cho doanh nghiệp và người dân là cần thiết. Theo đó, cần hỗ trợ thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, khơi thông thị trường.

Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng về sự cần thiết của gói hỗ trợ Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị, gói hỗ trợ cần dành cho những ngành nghề thực sự cần thiết, sử dụng nhiều lao động trong nước, có như vậy, hỗ trợ mới thực sự đạt hiệu quả.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, thời gian dịch bệnh, giãn cách xã hội vừa qua cho thấy, người dân rất ủng hộ Chính phủ vì nhận thấy Chính phủ có những giải pháp quyết liệt, thực sự vì dân. Vì vậy, nếu nghiêm túc và thực chất thì sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía người dân.

Về vấn đề phát triển thị trường, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, chúng ta vẫn phải tuân theo quy luật của kinh tế thị trường. Thứ trưởng khẳng định, thị trường trong nước vẫn là điểm mấu chốt trong thời gian sắp tới, ít nhất là đến cuối năm nay.

Đối với gói kích cầu kinh tế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng thật sự cần thiết và phải đặc biệt quan tâm, hỗ trợ đến các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt cả nền kinh tế.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra việc giảm giá điện của Chính phủ trong thời gian dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi; trong đó, có doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng. Đó là sự hỗ trợ thiết thực nhất.

Đồng quan điểm với các Thứ trưởng và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất, cần xác định rõ trạng thái mới, sau đó các Bộ, ngành mới có những kế hoạch hành động cụ thể.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước khi nói đến gói kích cầu kinh tế thì hãy đánh giá lại các gói hỗ trợ khác trước, phải đánh giá thực chất, hiệu quả của các gói đến đâu, từ đó gói kích cầu mới thực chất và đúng nơi, đúng mục đích.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm, gói kích cầu đầu tiên là tạo thuận lợi cho kích cầu tiêu dùng. Hơn nữa, bối cảnh hiện tại nên thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Theo Bộ trưởng, đây là lúc phải định vị lại phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam.

Kết luận buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Đức Kiên và TS. Trần Đình Thiên đánh giá cao các ý kiến thẳng thẳn, thấu đáo và có tầm nhìn của Bộ Công Thương.

Đặc biệt, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng hy vọng sẽ tiếp tục có những buổi làm việc như vậy để Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và Bộ Công Thương có những trao đổi, phản biện nhiều hơn, từ đó đóng góp những ý kiến xác đáng, tham mưu chính sách cho Chính phủ trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu COVID-19 cũng như giai đoạn sau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục