Hỗ trợ tiêu thụ, hạn chế tồn đọng hàng nông sản trong dân

21:12' - 03/08/2021
BNEWS Giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng khá nhiều đến việc sản xuất và tiêu thụ nông sản ở nhiều địa phương.
Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh (Đồng Tháp) đảm bảo rau, củ quả tươi xanh phục vụ khách hàng. Ảnh : Nguyễn Văn Trí - TTXVN
 Để giúp nông dân vùng dịch bị phong tỏa hoặc giãn cách xã hội tiêu thụ nông sản, nhất là hàng nông sản đã đến kỳ thu hoạch, các ngành chức năng đang tập trung nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tiêu thụ, hạn chế tồn đọng hàng nông sản trong dân.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này, nhất là thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ cuối tháng 5/2021 tác động mạnh đến thị trường tiêu thụ hoa Đà Lạt.

Lần lượt các chợ đầu mối bị đóng cửa khiến nguồn tiêu thụ hoa Đà Lạt bị ngưng trệ. Giá nhiều loại hoa tại Đà Lạt lần lượt lao dốc và nặng nhất là các loại hoa cắt cành như: cúc, cát tường, cẩm chướng, lyly với giá bán giảm từ 70 – 80% so với trước.

Anh Trần Văn Luyện, người trồng hoa cúc ở làng hoa Hà Đông, phường 7, thành phố Đà Lạt cho biết, đợt cữ (rằm tháng 6 âm lịch) vừa rồi anh thất thu hoàn toàn. Vườn hoa cúc hơn 1.000 m2 đến kỳ thu hoạch nhưng chỉ bán được vài thùng với giá 10.000 đồng/bó 10 cành.

Trong khi cùng kỳ năm ngoái, giá bán phải từ 25.000 – 30.000 đồng/bó. Cũng vườn hoa này, năm ngoái anh Luyện thu về hơn 100 triệu đồng nhưng năm nay thì không bằng "số lẻ". Anh Luyện chỉ hy vọng thu hồi được tiền giống và phân bón, còn gần 4 tháng qua là làm không công.

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cho rằng, thiệt hại của người dân trong đợt dịch lần này rất lớn nên Hiệp hội đề xuất hỗ trợ người trồng hoa trong giai đoạn này như: có chính sách để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ, tái cấp vốn hỗ trợ cho người nông dân tiếp tục tái sản xuất.

Trước khó khăn của người trồng hoa, UBND thành phố Đà Lạt vận động người trồng hoa ngắn ngày chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang một số loại rau ngắn ngày để đảm bảo nguồn cung ứng nội tỉnh và cho các tỉnh, thành phố trong vùng dịch trên cả nước. Đây cũng là biện pháp tình thế, giúp giảm thiệt hại cho người trồng hoa trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.

Trong khi đó, tại các tỉnh Đông Nam bộ, vùng chăn nuôi gia cầm lớn nhất cả nước thì việc tồn đọng hàng triệu con gà không chỉ khiến các trang trại đứng trước nguy cơ mất trắng và phá sản còn người tiêu dùng, đặc biệt là tại Tp. Hồ Chí Minh không có nguồn thịt tươi sống và phải chấp nhận mua thịt gà đông lạnh nhập khẩu với giá cao hơn gà trong nước.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, tại Tây Ninh, gà lớn quá tuổi không xuất bán được nên trại không thể nhập gà con về nuôi. Đã có một số trại gà giống phải đốt bỏ hàng triệu con gà con do không có chuồng để thả nuôi và khó khăn về nguồn thức ăn. Đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi điều này đồng nghĩa với việc sẽ thiếu hụt hàng triệu con gà thương phẩm khi thị trường thịt gà trở lại bình thường.

Tại Bến Tre, có nhiều loại nông sản của nông dân địa phương tiếp tục vào vụ thu hoạch rộ, cần được kết nối tiêu thụ. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, trong tháng 8 còn có nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản đến thời điểm thu hoạch. Cụ thể, có 295 tấn sò huyết ở huyện Thạnh Phú và khoảng 100 tấn dưa hấu, 60 tấn đậu phộng của huyện Bình Đại đến thời điểm thu hoạch.

Hiện tất cả các mặt hàng trên đều chưa có thương lái thu mua, đang cần kết nối tiêu thụ. Huyện Ba Tri đang có khoảng 62.000 quả trứng gà cần tiêu thụ; huyện Mỏ Cày Nam trong những ngày tới dự báo có khả năng tồn từ 13-14 triệu trái dừa…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp của người dân trên địa bàn; thường xuyên rà soát, cập nhật và kịp thời đề xuất giải pháp hỗ trợ người dân khi có khó khăn về tình hình tiêu thụ nông sản; cập nhật danh sách đầu mối cung ứng một số sản phẩm nông sản; phối hợp, rà soát các sản phẩm nông sản có sản lượng lớn đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch; xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho người dân, hạn chế tồn đọng, ùn ứ trong thời gian tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách.

Tại cuộc Họp trực tuyến về hoạt động của các Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày hôm nay (3/8), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị việc tháo gỡ khó khăn cần tập trung vào ngành hàng lớn, chủ lực, làm hình mẫu để các địa phương, đặc biệt là Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy làm kinh nghiệm để tham mưu, chỉ đạo.

Các địa phương bị áp lực trong phòng chống dịch COVID-19 nên siết chặt kiểm soát. Các đơn vị cần làm việc trực tiếp với địa phương với những việc thuộc thẩm quyền để tháo gỡ, giải quyết ngay khó khăn, giảm tình trạng trình các cấp làm mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, phát huy tốt vai trò của các hiệp hội ngành hàng để cùng chia sẻ khó khăn, phát huy chuỗi sản xuất. Để duy trì sản xuất, đảm bảo kế hoạch, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các đơn vị phải chuẩn bị cây, con giống để tránh đứt gãy sản xuất vụ sau.

Cùng với các giải pháp từ phía Bộ, Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tp. Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề xuất Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị lên Chính phủ về việc hỗ trợ chính sách phù hợp để duy trì, ổn định sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phía Nam.

Theo Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông thủy sản, thời gian tới các tỉnh phía Nam cần kịp thời triển khai các kế hoạch sản xuất. Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ một số chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp và nông dân duy trì, ổn định hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19.

Cụ thể, tạo điều kiện và ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, chăn nuôi, giết mổ đang thực hiện "3 tại chỗ" trực tiếp sản xuất; triển khai chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực, giảm áp lực thị trường và giúp ổn định thị trường lúa gạo khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp tại khu vực trọng điểm sản xuất lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục