Hòa Bình còn tình trạng lãng phí tài nguyên đất sau cổ phần hóa

14:02' - 06/05/2018
BNEWS Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 36 doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa, đang sử dụng trên 645.000 m2 đất phi nông nghiệp, với 176 khu đất tại 11 huyện, thành phố.

Diện tích các khu đất được sử dụng theo hình thức Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất; Nhà nước cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm.

Một số công ty sau khi cổ phần hóa đã phát huy được tiềm năng, vị trí lợi thế của các khu đất "vàng" được nhà nước cho thuê để hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Theo rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, trong 36 công ty cổ phần hóa, có 16 công ty đang sử dụng 16 khu đất, diện tích gần 265.000 m2 để hoạt động sản xuất kinh doanh; việc sử dụng đất đúng mục đích được Nhà nước cho thuê đất, không tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai; trong đó có trên 7.800 m2 đất trả lại Nhà nước.

Song, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh diện tích đất của các công ty sau khi cổ phần hóa cho thuê lại đất hoặc bỏ không còn khá lớn. Toàn tỉnh còn 8 công ty sử dụng nhiều đất tại các huyện, thành phố, sử dụng đất chưa ổn định, chưa hoàn chỉnh hồ sơ thuê đất, còn tranh chấp đất đai, hiện đang sử dụng hơn gần 200.000 m2 đất.

Ông Lê Trọng Long, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình cho biết: Từ năm 2017 đến nay, qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh thu hồi 21 khu đất, diện tích gần 28.000 m2 tại các huyện, thành phố. Yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thuê đất đối với 23 khu đất, diện tích trên 54.000 m2 đang quản lý, sử dụng nhưng chưa thực hiện ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Điều bất cập hiện nay là nhiều công ty không tính đúng, tính đủ giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi cổ phần hóa, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản sở hữu toàn dân giao doanh nghiệp quản lý, sử dụng đã làm giảm giá trị thực tế của vốn nhà nước, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Nghiêm trọng hơn, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nhà nước cho thuê đất nhưng không trực tiếp sản xuất kinh doanh đã cho thuê lại quyền sử dụng đất dưới danh nghĩa cho thuê tài sản. Ngoài ra, sau khi cổ phần hóa, bằng nhiều cách, các cổ đông tiến hành mua gom cổ phần, biến doanh nghiệp cổ phần hóa thành công ty của một vài cổ đông lớn.

Sau đó, thực hiện thay đổi hoạt động của doanh nghiệp, chuyển mục đích sử dụng tài sản; trong đó có lợi thế quyền sử dụng đất, tạo nên tình trạng biến tài sản chung thành tài sản riêng; hoặc các cổ đông chuyển nhượng tài sản trên đất cho doanh nghiệp tư nhân với giá trị bán tài sản rất lớn, thực chất trong đó là bán giá trị quyền sử dụng đất.

Theo ông Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, ngoài việc lơi lỏng trong quản lý đất đai trước đây, một phần nguyên nhân của những bấp cập trên là do pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể đối với doanh nghiệp cổ phần hóa khi chuyển nhượng tài sản cố định gắn liền với đất, nên đã làm thất thoát nguồn thu từ đất và tài sản gắn liền với đất như hiện nay.

Trước thực trạng đó, tỉnh Hòa Bình kiến nghị Chính phủ giới hạn, hoặc bãi bỏ quyền của doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa được chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê, hoặc tăng thuế sử dụng đất thông qua quy định về tăng đơn giá thuê đất.

Trường hợp công ty không còn nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, trả lại đất thì Nhà nước thu hồi đất để giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật./.

>>> Cuộc sống thụt lùi cả chục năm vì dự án "treo"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục