Hoài nghi bao trùm Hiệp định thương mại tự do EU-MERCOSUR

05:30' - 02/10/2024
BNEWS Triển vọng FTA giữa Liên minh châu Âu và MERCOSUR hiện "rất xấu", do vấp phải sự phản đối từ Pháp và sự hoài nghi từ một số quốc gia thành viên EU.

 

Theo tạp chí Handelsblatt (Đức), việc Liên minh châu Âu (EU) tăng cường thiết lập các hiệp định thương mại tự do là nhằm mục đích kích hoạt các động lực tăng trưởng mới của liên minh này. Nhưng Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa EU và nhóm MERCOSUR (bao gồm 4 quốc gia Nam Mỹ: Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay) đang đối diện nguy cơ "chết yểu".

Hy vọng để rồi thất vọng

Sau nhiều ngày thảo luận, các nhà đàm phán của cả EU và nhóm MERCOSUR đã đạt được sự nhất trí về một số quy định bổ sung cho FTA EU-MERCOSUR, nhằm xóa tan những chỉ trích đối với hiệp định này. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU lại đang rất bi quan và không còn kỳ vọng hiệp định này sẽ được đưa vào thực hiện trong thực tế.

Một số nhà ngoại giao ở Brussels cho biết, gần đây, sự phản kháng từ Pháp và một số nước EU khác đã tăng lên thay vì giảm đi. Nếu không có sự đồng ý từ Paris, việc kết thúc đàm phán sẽ là điều khó có thể thực hiện được.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Berlin vào ngày 2/10/2024, dự kiến Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo Pháp về những quan điểm khác biệt giữa hai nước đối với hiệp định.

Các FTA mới có vai trò hết sức quan trọng trong nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Chúng được kỳ vọng sẽ cung cấp động lực tăng trưởng cho lĩnh vực xuất khẩu đang suy yếu của EU và trên hết là đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô cho liên minh này.

FTA với 4 quốc gia Nam Mỹ, nếu thành hiện thực, sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất từ trước đến nay mà EU đã ký kết. Nó sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do với 770 triệu người tiêu dùng. Hiệp định được ký kết vào năm 2019, nhưng chưa đi vào thực hiện, do những tranh cãi dai dẳng giữa hai bên về các quy định bổ sung, chẳng hạn như vấn đề bảo vệ rừng nhiệt đới ở Amazon.

 

Tuần trước, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Chủ tịch EC von der Leyen đã gặp Tổng thống Argentina Javier Milei, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Tổng thống Paraguay Santiago Pena. Rõ ràng, nhà lãnh đạo EU muốn thể hiện rằng "mọi việc đang tiến triển".

Các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu từ lâu cũng mong chờ tin vui từ FTA giữa EU và MERCOSUR. Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Russwurm cho rằng EU không được "lãng phí thêm thời gian" cho hiệp định này. Theo ông, cần phải đạt mục tiêu kết thúc thành công các cuộc đàm phán vào cuối năm nay.

Vào đầu tháng Chín vừa qua, trong thư gửi Chủ tịch EC von der Leyen, Thủ tướng Scholz và lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên EU khác đã kêu gọi liên minh nhanh chóng đưa ra quyết định về FTA ký với MERCOSUR. Lá thư cho biết do tình hình địa chính trị thay đổi, châu Âu cần các liên minh quốc tế mạnh mẽ và uy tín của EU đang bị đe dọa.

Nhưng một thỏa thuận quy mô lớn đang ngày càng trở nên xa vời. Sự phản kháng từ Pháp gần đây đã tăng lên. Từ đầu năm đến nay, Tổng thống Macron nhiều lần nói rằng ông phản đối hiệp định này. Hồi tháng 3/2024, Thượng viện Pháp đã bỏ phiếu phủ quyết FTA giữa EU và Canada (CETA). Đây là một lời nhắc nhở, rằng các chính trị gia và người dân Pháp không hài lòng với các hiệp định thương mại tự do.

Pháp muốn ngăn chặn FTA giữa EU và MERCOSUR

Tổng thống Macron vẫn ủng hộ FTA CETA. Nhưng với hiệp định EU-MERCOSUR, ông không còn muốn sử dụng "số vốn chính trị" còn lại để ủng hộ hiệp định này nữa.

Giáo sư Tomasz Michalski tại Đại học HEC ở Paris cho rằng triển vọng FTA giữa EU và MERCOSUR là "rất xấu". Chính phủ mới ở Pháp dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Michel Barnier không có thế đa số trong Quốc hội và phụ thuộc vào sự chấp nhận của đảng Dân chủ Quốc gia do bà Marine Le Pen lãnh đạo. Bà Le Pen lại là người phản đối các hiệp định thương mại tự do.

Giáo sư Michalski cũng nhận định, việc bổ nhiệm bà Sophie Primas làm Bộ trưởng Thương mại mới của Pháp là một tín hiệu rõ ràng cho điều này. Với tư cách là Thượng nghị sĩ, bà Primas đã bỏ phiếu chống lại việc phê chuẩn Hiệp định CETA hồi mùa Xuân vừa qua. Trước đây, bà Primas từng cho rằng nhóm MERCOSUR có nguy cơ lấn át nền nông nghiệp Pháp.

Hội đồng EU có thể vượt qua Paris?

Nhiều chính trị gia tại Brussels không còn muốn chấp nhận sự phong tỏa mà Paris đang áp đặt nữa. Chủ tịch Ủy ban Thương mại tại Nghị viện châu Âu Bernd Lange, cho biết nếu cần thiết, EU sẽ phải quyết định thỏa thuận trái với ý muốn của Pháp. Các quan chức EC cũng lập luận rằng không thể để lợi ích của châu Âu phụ thuộc vào lợi ích của nước Pháp.

Nghị sỹ Quốc hội liên bang Đức Nicole Westig, Chủ tịch nhóm Nghị sĩ Đức-Pháp, kêu gọi EC sớm giải quyết những lo ngại của Pháp. Theo ông, đối với Pháp, những lợi ích rõ ràng của hiệp định cho nền kinh tế và khả năng cạnh tranh sẽ lớn hơn những lo ngại của nước này.

EC có thể đệ trình hiệp định đã được đàm phán với các nước MERCOSUR lên Hội đồng châu Âu để bỏ phiếu. Một sự chấp thuận đa số đủ điều kiện là đủ để phê duyệt ít nhất là phần thương mại của hiệp định. Điều này cần sự đồng thuận của tối thiểu 15 quốc gia thành viên, đại diện cho 65% dân số EU.

Vẫn còn những ý kiến hoài nghi

Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao EU, không thể vì lý do chính trị mà bỏ qua Paris. Đặc biệt, vì Pháp không đơn độc trong Hội đồng châu Âu khi chỉ trích FTA giữa EU và MERCOSUR. Điều này được thể hiện qua việc chỉ có 11 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU ký vào lá thư ủng hộ hiệp định gửi Chủ tịch EC von der Leyen.

Các nước có nền nông nghiệp lớn của EU như Áo, Ba Lan và Ireland cũng tỏ ra hoài nghi về hiệp định này. Ngay cả Hà Lan, vốn là quốc gia có truyền thống ủng hộ thương mại tự do, cũng thể hiện sự kiềm chế. Một số đảng trong liên minh cánh hữu mới tại Hà Lan đã bác bỏ hiệp định này.

Do đó, chuyên gia thương mại Alicia Garcia Herrero từ tổ chức tư vấn Bruegel, nhận định FTA giữa EU và MERCOSUR đã thất bại. Theo vị chuyên gia này, EU nên hủy bỏ hiệp định, thay vào đó ký kết các FTA song phương với Brazil và Argentina. Bà cho biết FTA giữa EU và Chile có thể là một hình mẫu. Ở châu Á, EU cũng đã ký kết các FTA song phương với một số quốc gia riêng lẻ, thay vì lựa chọn một hiệp định lớn ký với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Chuyên gia Garcia Herrero nhấn mạnh Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới phải xem xét lại cách thức EU ký kết các hiệp định thương mại. EU không cần những thỏa thuận toàn diện mà là những thỏa thuận có mục tiêu, giúp liên minh tiếp cận được những gì mà khối này thực sự cần.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục