Hoàn thành Đề án phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nhân lực trong tháng 6

11:40' - 08/04/2025
BNEWS Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, liên quan rà soát các chính sách để huy động các tập đoàn, tổng công ty lớn tham gia việc đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt.

Bộ Xây dựng được giao xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực, trình Chính phủ ban hành; hoàn thành trong tháng 6 năm 2025. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với việc phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nhân lực cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt. 

Theo đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các cơ quan, trường, đơn vị, địa phương liên quan để xác định rõ nhu cầu, hình thức, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác các dự án…

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, liên quan rà soát các chính sách để huy động các tập đoàn, tổng công ty lớn tham gia việc đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt. Đồng thời chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu xem xét giao Tập đoàn Viettel và VNPT chủ trì đảm nhận trong việc tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.

 

Bộ Tài chính chỉ đạo, tổ chức lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo định hướng mô hình tập đoàn để tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quá trình triển khai thực hiện và tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng sau khi các dự án hoàn thành; hoàn thành trong tháng 6 năm 2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát quy hoạch các Đại học, Trường đại học, Trường cao đẳng bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo trong nước phục vụ đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và phát triển công nghiệp đường sắt.

Về phía Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trình Chính phủ ban hành, hoàn thành trong tháng 6 năm 2025.

Tại kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt nhấn mạnh: Việc phát triển hệ thống đường sắt có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng miền và thúc đẩy hội nhập quốc tế, đặc biệt là các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường sắt kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, các đô thị lớn và đường sắt liên vận quốc tế. 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị và các quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã khẳng định đường sắt là một trong những lĩnh vực vận tải cần ưu tiên đầu tư. Đây là phương thức vận tải có nhiều ưu điểm, hài hòa giữa các phương thức vận tải (hàng không, đường thủy, hàng hải và đường bộ), vận tải khối lượng lớn, nhanh, chi phí rẻ, an toàn, bảo vệ môi trường có khả năng kết nối rộng và xuyên quốc gia...

Với quy mô đầu tư của hệ thống đường sắt trong thời gian tới là rất lớn, bao gồm: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đường sắt đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và các tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái….

Đây là cơ hội để Việt Nam làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt, mục tiêu đến năm 2030 - 2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt, như: Làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục