Kết luận thanh tra tại Bộ Xây dựng: Còn khuyết điểm trong tham mưu, ban hành văn bản pháp luật về quy hoạch

20:14' - 01/04/2025
BNEWS Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 81/KL-TTCP ngày 18/3/2025 thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng của Bộ Xây dựng.
Theo Kết luận thanh tra, Bộ Xây dựng trong những năm qua thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng đã có những chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch và các loại quy hoạch; tham mưu và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng cũng như tham gia góp ý, xây dựng nội dung và thẩm định các hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng trong quy hoạch vùng theo nhiệm vụ được giao; chỉ đạo và phối hợp với các địa phương trong xây dựng nội dung quy hoạch xây dựng cấp tỉnh, trong việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đã dần đi vào nề nếp và cơ bản được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng bộ.

Trong thời kỳ thanh tra giai đoạn 2015 - 2022, Bộ Xây dựng đã tham mưu và phê duyệt hệ thống các văn bản pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị, nông thôn và các khu chức năng, khai thác hiệu quả sử dụng đất, góp phân nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một số tồn tại, khuyết điểm và hạn chế trong việc tham mưu và phê duyệt hệ thống các văn bản pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng của Bộ Xây dựng giai đoạn 2015 - 2022.

Cụ thể, Bộ Xây dựng tham mưu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (4 Luật, 2 Nghị quyết, 11 Nghị định, 17 Thông tư và 2 Quy chuẩn Việt Nam) còn chậm so với đề nghị, yêu cầu của các cơ quan cấp trên và quy định của pháp luật.
 
Việc để UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chung quận, huyện với định hướng quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất không phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/2010/QĐ-TTg ngày 6/1/2010; điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất so với quy hoạch chung xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng UBND Thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về điều chỉnh quy hoạch đô thị, không báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện... là có trách nhiệm của Bộ Xây dựng khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch, chậm phát hiện và xử lý tồn tại, vi phạm của Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định.

Là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch nhưng Bộ Xây dựng không kịp thời phát hiện các tồn tại, vi phạm trong việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng không đúng quy định Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ để phê duyệt quy hoạch chi tiết điều chỉnh mà không điều chỉnh quy hoạch phân khu hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết tại khu vực chưa được phê duyệt quy hoạch phân khu trong thời gian dài...

Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009 do Bộ Xây dựng tham mưu xây dựng chưa có quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát dẫn đến việc các địa phương khi điều chỉnh quy hoạch tổng thể và quy hoạch cục bộ chưa đảm bảo chặt chẽ theo quy định nhưng cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng ở trung ương không kịp thời phát hiện để xử lý.

Trong giai đoạn từ năm 2010-2016, Bộ Xây dựng chậm tham mưu, điều chỉnh quy định về bản vẽ xác định các khu vực xây dựng công trình ngầm (các công trình công cộng ngầm, các công trình cao tầng có xây dựng tầng hầm) đối với quy hoạch phân khu dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong cả nước khi lập, trình quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị, khu vực xây dựng công trình ngầm tại các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

Đáng nói, Bộ Xây dựng chưa ban hành các tiêu chí đánh giá trong công tác thẩm định, từ đó dẫn đến công tác thẩm định thiết kế cơ sở của Cục Quản lý hoạt động xây dựng không định lượng được số liệu, tiêu chí cụ thể để thẩm định nên kết quả thẩm định còn chung chung, không đủ điều kiện, cơ sở để đánh giá đúng sự phù hợp về quy hoạch là thực hiện không đúng với quy định tại khoản 6 Điều 18 Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng. Trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 18 Thông tư số 18/2016/TT-BXD không phù hợp với các quy định khác của pháp luật nhưng Bộ Xây dựng cũng chậm kiến nghị điều chỉnh.

Cũng theo Kết luận thanh tra, Bộ Xây dựng chậm nghiên cứu thực tiễn trong thời gian qua để tham mưu, ban hành điều chỉnh quy định việc UBND các cấp phải lập kế hoạch để thực hiện quy hoạch; xác định nguồn lực thực hiện quy hoạch, nguồn lực thực hiện các dự án ưu tiên; việc lập, phê duyệt hồ sơ cắm mốc và triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa và việc xin ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp ứng với mỗi loại quy hoạch... để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.

Bộ cũng chậm nghiên cứu để khắc phục các tồn tại giữa Luật Nhà ở và Luật Quy hoạch đô thị đối với nội dung nhà ở xã hội,việc phải bố trí 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xây dụng nhà ở xã hội đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.

Kết luận thanh tra nêu rõ: “Chịu trách nhiệm về các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm nêu trên là Bộ Xây dựng và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan”.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định xử lý các nội dung phải chỉnh sửa điều chỉnh giữa Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009 và các văn bản hướng dẫn đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành để khắc phục các tồn tại, bất cập.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan thuộc Bộ Xây dựng trong việc để xảy ra các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm nêu trên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục