Hoàn thiện chính sách để bảo vệ bản quyền giống cây trồng

14:58' - 07/09/2016
BNEWS Sau hơn 10 năm thực hiện theo Công ước UPOV, một số khiếm khuyết đã bộc lộ, đặc biệt một số điểm trong khuôn khổ pháp lý cần được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ngày 7/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Quốc tế về bảo hộ giống cây trồng, Cơ quan sáng chế và nhãn mác liên bang Hoa Kỳ và Bộ Nông Lâm ngư nghiệp Nhật Bản đã tổ chức hội thảo “Thực thi quyền nhà tạo giống theo Công ước Quốc tế về bảo hộ giống cây trồng -UPOV”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, hệ thống bảo hộ giống cây trồng Việt Nam thành lập từ năm 2000. Năm 2006, Việt Nam đã tham gia công ước UPOV 1991 nhằm thực hiện bảo hộ giống hiệu quả hơn bằng việc hợp tác sâu rộng với các quốc gia thành viên UPOV.

Qua 10 năm thực hiện bảo hộ giống cây trồng theo Công ước UPOV ở Việt Nam cho thấy, dù có nhiều khó khăn song những thành tựu đạt được rất đáng ghi nhận với trên 300 bằng bảo hộ được cấp.

Trong đó, có nhiều giống cây trồng mới do tác giả Việt Nam chọn tạo với các đặc tính tốt đưa ra sản xuất, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn trên thế giới.

Bên cạnh các giống nội, nhiều giống cây trồng mới có giá trị khai thác được đưa từ nước ngoài vào sản xuất tại Việt Nam như các giống rau, hoa, tạo cơ hội tăng thu nhập cho nông dân.

"Từ khi gia nhập UPOV, số đơn đăng ký bảo hộ tăng mạnh do các tác giả tin tưởng hệ thống bảo hộ giống cây trồng Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế áp dụng.

Tuy nhiên tới nay, sau hơn 10 năm vậy hành hệ thống bảo hộ giống cây trồng quốc gia, 10 năm thực hiện theo Công ước UPOV, một số khiếm khuyết đã bộc lộ, đặc biệt một số điểm trong khuôn khổ pháp lý cần được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã quyết định sửa đổi bổ sung Luật sở hữu trí tuệ trong đó có phần vệ giống cây trồng. " - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho hay.

Theo ông Peter Button, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng, nếu chúng ta không giúp các nhà tạo giống thì các nhà tạo giống sẽ không có quyền gì cả.

Nhưng, việc thực thi quyền của các nhà tạo giống lại là chủ yếu chính bản bản thân nhà tạo giống dựa trên những pháp lý phù hợp. Thực thi luật pháp, UPOV đã đưa ra những hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý trong việc thực hiện. Tuy nhiên, vẫn cần tìm sự đa dạng trong các cơ chế, những kinh nghiệm của các quốc gia, khu vực khác trong thành viên UPOV.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, bản quyền giống là một trong những thách thức trong phát triển giống cây trồng ở Việt Nam. Bản quyền sẽ khuyến khích các nhà khoa học chọn tạo giống mới ngày một tốt hơn, đồng thời giúp Việt Nam xây dựng được thương hiệu sản phẩm.

Trong hai ngày 7-8/9 diễn ra hội thảo, các chuyên gia đến từ các thành viên trong hiệp hội có kinh nghiệm về bảo hộ giống cây trồng đã chia sẻ kinh nghiệm, cơ chế giúp nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan đến bảo hộ giống cây trồng; những bước mà thành viên UPOV đã tiến hành để nhằm cải thiện hơn nữa tính pháp lý có thể đảm bảo quyền lợi cho nhà tạo giống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục