Hoàn thiện Tháp trung tâm điều hành và giao dịch VICEM sau 8 năm tạm dừng

14:25' - 12/05/2023
BNEWS VICEM đã chủ động đề xuất phương án điều chỉnh dự án và đầu tư hoàn thiện Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM. Tổng diện tích sàn xây dựng sau điều chỉnh khoảng 50.613 m2, giảm 4.887 m2.

Tòa tháp trung tâm điều hành và giao dịch Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đầu tư từ năm 2010 với quy mô đầu tư 31 tầng nổi, 4 tầng hầm nhưng đã "tạm dừng" 8 năm qua vừa được Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cho doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện.

Dự án Tháp trung tâm điều hành và giao dịch VICEM được xây dựng tại Lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh khoảng 2.743 tỷ đồng với mục tiêu xây dựng trụ sở làm việc của Tổng công ty, các đơn vị thành viên, hội trường và trung tâm thương mại quảng bá sản phẩm. Nhưng sau 5 năm xây dựng hoàn thành phần thô của tòa tháp, từ tháng 8-2015 đến nay đã "tạm dừng".

Để tránh lãng phí tài sản nhà nước, trong giai đoạn 2016-2021, VICEM nhiều lần đề nghị Bộ Xây dựng cho phép lập phương án, tìm kiếm đối tác chuyển nhượng tòa tháp để hoàn vốn đầu tư. Năm 2017, Bộ Xây dựng báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận cho VICEM chuyển nhượng dự án.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa chuyển nhượng được do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp luật đầu tư, đất đai, việc sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất thuộc doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, việc chuyển nhượng dự án diễn ra trong giai đoạn thị trường bất động sản, đặc biệt phân khúc trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê gặp nhiều khó khăn, nên VICEM chưa thực hiện được.

Giải quyết tình trạng "tạm dừng" kéo dài, thời gian qua VICEM nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng chấp thuận cho Tổng công ty tiếp tục đầu tư, hoàn thiện dự án này. VICEM cam kết sẽ rà soát lại dự án cho phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật.

VICEM là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Xây dựng. Trụ sở làm việc hiện nay của doanh nghiệp là tòa nhà 8 tầng cũ đã xây dựng từ năm 1980, diện tích chật hẹp, cơ sở hạ tầng đã cải tạo sửa chữa nhiều lần. Lộ giới an toàn đường sắt cắt ngang lối vào trụ sở làm việc của VICEM, tiềm ẩn rủi ro về an toàn giao thông. Do đó, nhu cầu về trụ sở làm việc mới của VICEM và các đơn vị thành viên là cần thiết.

Theo đề án tái cơ cấu, xây dựng và phát triển VICEM thành doanh nghiệp trụ cột của ngành xi măng Việt Nam có quy mô đủ lớn, trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, VICEM còn giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết, bình ổn thị trường và định hướng ngành xi măng Việt Nam phát triển phù hợp với chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Để đáp ứng mô hình hoạt động này, VICEM sẽ mở rộng quy mô hoạt động cả chiều rộng, chiều sâu với mục tiêu phấn đấu gia tăng thị phần từ 30-40%

VICEM cũng đã chủ động đề xuất phương án điều chỉnh dự án và đầu tư  hoàn thiện Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM.  Theo đó, VICEM dự kiến thay đổi thiết kế mặt dựng phần khối tháp từ tầng 6 đến tầng 31. Tổng diện tích sàn xây dựng còn lại sau điều chỉnh khoảng 50.613 m2, giảm 4.887m2.

Cùng đó, VICEM đã rà soát quy mô để tiết giảm chi phí đầu tư dự án với tổng mức đầu tư sơ bộ điều chỉnh khoảng 2.354,31 tỷ đồng; trong đó, phần giá trị thanh toán khối lượng công việc đã thực hiện hơn 1.203 tỷ đồng; phần khối lượng công việc cần tiếp tục đầu tư để hoàn thành dự án dự kiến khoảng 1.150,98 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện sẽ sử dụng vốn tự có của doanh nghiệp. Nếu được chấp thuận sớm, VICEM dự kiến sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành Tòa nhà, đưa vào sử dụng trong quý IV/2025.   

Để có cơ sở trình Thủ tướng xem xét, quyết định, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi 4 bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường đề nghị cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến dự án này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục