Hoàn thiện thể chế liên quan quy hoạch sử dụng đất đai

21:40' - 27/05/2019
BNEWS Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành cả ngày 27/5 thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.
Toàn cảnh phiên họp sáng 27/5/2019 ở hội trường. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành cả ngày 27/5 để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Vấn đề giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách là nội dung được nhiều đại biểu tập trung phân tích, cho ý kiến.

Theo nhiều đại biểu, hiện nay, giá đất rất bất cập, không sát với thị trường gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách. 

Vì vậy, Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh kịp thời khung giá đất, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường.

Ngoài ra, Chính phủ cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất, các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định Bảng giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách.

Phân tích nguyên nhân giá đất thường thấp hơn giá thị trường rất nhiều, một số đại biểu đề xuất, giá đất phải do tổ chức cung cấp dịch vụ giá đất độc lập thực hiện. 

Có đại biểu chỉ rõ, bên cạnh những nội dung cần phải sửa trong Luật Đất đai 2013, Chính phủ cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến vấn đề này trong các văn bản dưới luật.

Về việc thực hiện quy hoạch, một số đại biểu cho rằng, quá trình tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn nhiều hạn chế.

Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, phá vỡ quy hoạch ban đầu.

Các đại biểu đề nghị Quy hoạch sử dụng đất được lập phải là kịch bản sử dụng đất cho tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, phản ánh được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.

Theo đó, quy hoạch sử dụng đất phải phân tích được chi phí lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường sử dụng nguồn lực về đất đai trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phải được công khai từ khâu đề xuất như lấy ý kiến chuyên gia, người dân, doanh nghiệp.

Việc điều chỉnh quy hoạch nên giao cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thực hiện.

Liên quan đến vấn đề thông tin về đất đai, các đại biểu cho rằng cần được thông tin một cách rõ ràng, minh bạch hơn, thuận lợi hơn cho người dân biết để giảm bớt tiêu cực, lợi ích nhóm.

Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế để xử lý việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, thuê đất cho người nước ngoài, đặc biệt là ở khu vực nhạy cảm về quốc phòng an ninh; cần có hoạt động điều tra của cả nước về vấn đề này và tổ chức thực hiện thật nghiêm túc.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát thống kê đầy đủ quỹ đất của Nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân để theo dõi, quản lý chặt chẽ, khắc phục tình trạng sử dụng sai mục đích, cho thuê, cho mượn đất sai quy định.

Tập trung xử lý có hiệu quả các vụ việc vi phạm gây bức xúc dư luận liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, kiên quyết không để tiếp tục xảy ra tình trạng thẩm định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, cấp, chuyển quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư định giá đất thiếu tính cạnh tranh, tùy tiện, sai quy định như thời gian qua.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng nói chung và phát triển đô thị nói riêng.

Chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch, thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kịp thời quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính kế hoạch và phát triển phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của từng thời kỳ, đảm bảo đúng quy chuẩn và tiêu chuẩn theo quy định.

Công khai các thông tin về quy hoạch để người dân biết tham gia giám sát.

Tăng cường kiểm soát sử dụng đất đai, đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch, có kế hoạch.

Các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, căn cứ vào nhu cầu của xã hội, yêu cầu phát triển và khả năng đáp ứng của nguồn lực nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo.

Phải lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư xây dựng, khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, phong trào, không có kế hoạch. Kiểm soát đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Xây dựng cơ chế kiểm soát việc xác định giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, tránh thiệt hại cho nhà nước.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục