Hoạt động chế tạo tại Trung Quốc giảm bốn tháng liên tiếp

07:00' - 01/09/2024
BNEWS Theo dữ liệu chính thức công bố ngày 31/8, hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 8/2024, cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chật vật để có thể phục hồi.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, trong tháng 8/2024, Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) - một thước đo quan trọng về sản lượng công nghiệp – chỉ ở mức 49,1, giảm mạnh từ mức 49,4 của tháng 7/2024. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy hoạt động chế tạo đang mở rộng, trong khi chỉ số PMI dưới 50 thể hiện sự suy giảm.

Trước đó, các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Bloomberg cũng dự đoán hoạt động chế tạo của Trung Quốc giảm trong tháng Tám, nhưng ở mức độ nhẹ hơn là 49,5.

Chỉ số PMI trong các lĩnh vực phi chế tạo, trong đó có dịch vụ, vẫn ở vùng tăng trưởng trong tháng Tám, ở mức 50,3, cao hơn mức 50,2 của tháng Bảy.

 
Sự phục hồi hậu đại dịch COVID-19 của nền kinh tế Trung Quốc không được bền vững và mạnh mẽ như dự đoán. Mặc dù một số ngành nhìn chung đã “hồi sức”, như du lịch và ngành ô tô, nhưng một số lĩnh vực khác vẫn đang gặp khó khăn, đặc biệt là bất động sản, một động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nước này.

Từ vị thế là công xưởng của thế giới đối với các sản phẩm giá rẻ, Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng để tăng cường vai trò của mình trong các ngành công nghiệp công nghệ cao trong tương lai, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI).

Giữa tháng 8/2024, Trung Quốc đã công bố một loạt chỉ số kinh tế được cho là đáng thất vọng, dù chính phủ nước này đã đưa ra nhiều biện pháp trong thời gian gần đây để thúc đẩy tăng trưởng. Theo số liệu chính thức, trong tháng Bảy, nhu cầu vay vốn ngân hàng tại Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên trong gần 20 năm. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế nước này.

Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, cũng như sự thiếu niềm tin của các hộ gia đình và giới doanh nghiệp, những yếu tố đang cản trở hoạt động tiêu dùng. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đe dọa hoạt động ngoại thương của nước này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục