Hoạt động của ngành vận tải biển toàn cầu hứa hẹn sẽ cải thiện trong thời gian tới

07:40' - 18/03/2024
BNEWS Hoạt động của ngành vận tải toàn cầu sẽ có sự cải thiện đáng kể trong những tháng tới, nhờ nhu cầu phục hồi và lượng dự trữ hàng tồn kho cạn kiệt.

Theo nhận định của ông Rolf Habben Jansen, Giám đốc điều hành (CEO) hãng tàu Hapag-Lloyd – nhà kinh doanh dịch vụ vận tải biển lớn thứ năm thế giới, hoạt động của ngành vận tải toàn cầu sẽ có sự cải thiện đáng kể trong những tháng tới, nhờ nhu cầu phục hồi và lượng dự trữ hàng tồn kho cạn kiệt.

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC (Mỹ), ông Jansen cho biết nhiều doanh nghiệp đã phản hồi về việc hàng tồn kho của họ sắp cạn kiệt và nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán 2024 đang phục hồi rất tốt.

 

Những nhận định mới nhất từ CEO của Hapag-Lloyd đã phần nào “vực dậy” tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư, sau khi công ty này báo cáo mức lợi nhuận ròng trong năm 2023 sụt giảm, dẫn đến cổ phiếu mất giá. So với năm 2022, Hapag-Lloyd đã hoạt động kém hiệu quả hơn đáng kể trong năm ngoái, nguyên nhân là do tình trạng tắc nghẽn container và giá cước vận tải cao.

Ông Jansen nói: “Quý cuối năm 2023 là rất khó khăn vì giá cước vận chuyển duy trì mức không bền vững”. Hơn nữa, căng thẳng ở Biển Đỏ một lần nữa đã làm thay đổi hoạt động thị trường, đẩy chi phí vận tải rơi vào một mặt bằng cao mới.

CEO hãng tàu Hapag-Lloyd chỉ ra rằng các cuộc tấn công tàu chở hàng trên Biển Đỏ của lực lượng Houthi ở Yemen đã khiến giá container tăng đột biết. Điều này không mang lại lợi ích cho các hãng tàu vì chi phí vận hành đã tăng lên do các con tàu buộc phải chuyển hướng đi vòng quanh châu Phi, khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn, đi kèm với đó là chi phí bảo hiểm tăng “chóng mặt”.

Ngày 9/2, giá container loại 40 feet (12,19 m) tại Mỹ ở mức 5.353 – 7.320 USD, cao hơn nhiều so với mức giá 3.063 -3.763 USD ghi nhận vào ngày 3/1.

Sau ngày 9/2, giá container bắt đầu giảm bớt, nhưng vẫn cao hơn so với mức giá của năm 2023. Các công ty Mỹ cho biết họ phải chi nhiều tiền hơn cho giá cước vận chuyển trên tuyến đường từ châu Á đến các cảng Bờ Tây nước Mỹ tăng 155% trong vòng 12 tháng, cước vận chuyển từ châu Á đến Bờ Đông tăng 129% và từ châu Á đến Bờ Vịnh tăng 71,2% tính đến thời điểm hiện tại.

Nhận định về các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ, ông Jansen chia sẻ đó là một tình huống đáng lo ngại. Ông, cũng như các thương nhân khác, hy vọng xung đột sẽ chấm dứt trong vài tháng tới. Nhưng bất chấp mọi nỗ lực mà nhiều quốc gia đang thực hiện, hầu hết các chuyên gia đánh giá rằng căng thẳng ở Biển Đỏ có thể kéo dài lâu hơn và các hãng tàu sẽ còn phải duy trì tuyến đường mới dài hơn và tốn kém hơn trong một thời gian nữa.

Nhằm khắc phục những khó khăn hiện tại, ngành vận tải biển toàn cầu đã bổ sung thêm khoảng 5% công suất tàu để bù đắp sự chậm trễ trong tiến trình vận chuyển giao hàng container. Ông Jansen cho biết bằng cách di chuyển nhanh hơn bình thường, công suất của các con tàu sẽ tăng thêm khoảng 8 -10%.

Ngoài ra, các hãng vận tải lớn đã thực hiện việc liên minh với nhau, để giảm thiểu những thách thức về chi phí vận hành và tăng sự hài lòng của khách hàng. Vào tháng Một, nhà vận tải số một thế giới Maersk và Hapag-Lloyd đã công bố liên minh Gemini, sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2025. Cả hai hãng vận tải này tuyên bố sẽ đạt được mục tiêu về độ tin cậy trên 90% sau khi mạng lưới vận chuyển mới được triển khai hoàn toàn.

Liên minh Gemini dự kiến sẽ phân bổ khoảng 290 tàu container toàn cầu. Nó được vận hành bằng cách sử dụng hệ thống giao thoa và phân chia hiệu quả tương tự các hệ thống giao thông khác. Ông Jansen nói về cơ bản, mạng lưới giao thông của liên minh là một hệ thống mới sẽ có thể hoạt động ở nhiều phương thức vận tải khác nhau. Mạng lưới này có khả năng phục hồi tốt hơn nhiều so với mạng truyền thống, nơi các phương tiện vận tải hoạt động độc lập và tách rời.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục