Học giả Singapore ấn tượng về những thành công của Việt Nam

12:21' - 20/01/2021
BNEWS Trong 5 năm qua và gần nhất là năm 2020, vị thế của Việt Nam được thể hiện rõ với 3 điểm nhấn: đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN; ủy viên không thường trực HĐBALHQ; chủ trì lễ ký kết RCEP.

Nhân sự kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng (từ ngày 25/1 - 2/2/2021), phóng viên TTXVN tại Singapore đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Bilveer Singh - Phó trưởng Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Quốc gia Singapore về sự phát triển, vị thế của Việt Nam trong 5 năm qua và những thách thức Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Phó Giáo sư Bilveer Singh nhận định nhìn lại lịch sử và nền chính trị Đông Nam Á, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã trở thành một trong những quốc gia gây ấn tượng nhất, lạc quan nhất và một trong những quốc gia thành công nhất.

Theo Phó Giáo sư Singh, về mặt chính trị, Việt Nam có sự ổn định chính trị vượt trội, thậm chí có nhiều ý nhiều cho rằng Việt Nam đạt "tiêu chuẩn vàng về sự ổn định chính trị".

Về kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng thành công nhất thế giới trong 5 năm qua.

Ngay cả khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương (gần 3,0%) năm 2020, trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tăng trưởng âm.

Phó Giáo sư Bilveer Singh - Phó trưởng Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Quốc gia Singapore. Ảnh: NUS Arts and Social Sciences

Phó Giáo sư Singh nhấn mạnh sự phát triển kinh tế này cho thấy những chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra là đúng đắn, sự cân bằng giữa thương mại trong nước và thương mại với bên ngoài là đúng đắn.

Điều này cho thấy những nền tảng kinh tế của Việt Nam, trong đó có cả lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, đang mang lại thành quả.

Phó Giáo sư Singh đánh giá Việt Nam cũng gặt hái nhiều thành quả trên mặt trận đối ngoại, quốc phòng.

Trong 5 năm qua và gần đây nhất là năm 2020, vị thế của Việt Nam được thể hiện rõ với 3 điểm nhấn: đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; chủ trì lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - khối thương mại lớn nhất hiện nay.

Đặc biệt, Phó Giáo sư Singh cho rằng nhiều người "sẽ phải trầm trồ về cách thức Việt Nam kiểm soát đại dịch COVID-19". Bản thân ông cũng rất thấy ấn tượng khi Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, nhưng tỷ lệ ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lại rất thấp tại khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới.

Phó Giáo sư Singh nêu rõ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện đặc biệt quan trọng, sẽ đưa ra những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới, đặc biệt khi Việt Nam sẽ phải đối mặt với hai thách thức lớn.

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 chưa kết thúc và thậm chí có nguy cơ diễn biến tồi tệ hơn trong khu vực. Những gì xảy ra tại khu vực, đặc biệt là các đối tác thương mại của Việt Nam, sẽ có tác động trực tiếp tới Việt Nam.

Thứ hai, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn ảnh hưởng tới khu vực Đông Nam Á.

Trong bối cảnh đó, Phó Giáo sư Bilveer Singh cho rằng Việt Nam cần tiếp tục duy trì khả năng xử lý tốt các vấn đề nội tại trong nước và cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với ASEAN, sau khi đã có một nhiệm kỳ chủ tịch hết sức thành công.

Theo ông Singh, Việt Nam cần tiếp tục các chính sách kiểm soát dịch COVID-19, duy trì tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định chính trị và tiếp tục thể hiện vai trò trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Chuyên gia này bày tỏ tin tưởng rằng khi duy trì được sức mạnh, tăng trưởng kinh tế và sự ổn định chính trị, Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ASEAN và có thể trở thành “cường quốc bậc trung” tại Đông Nam Á nhờ sự phát triển trong 10-20 năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục