Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng G20: Ưu tiên bảo vệ tăng trưởng

14:01' - 19/04/2017
BNEWS Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 sẽ hảo luận các biện pháp bảo vệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trước nguy cơ bất ổn địa chính trị đang gia tăng.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhóm họp hai ngày bắt đầu từ 20/4 tại Washington (Mỹ) để thảo luận các biện pháp bảo vệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trước nguy cơ bất ổn địa chính trị đang gia tăng.

Kể từ cuộc họp gần đây nhất của nhóm này là vào tháng Ba, tại Baden-Baden, Đức, các căng thẳng khu vực đã tăng đến đỉnh điểm, tác động tới niềm tin của giới đầu tư, vốn từ trước tới nay luôn tìm kiếm tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tại Mỹ dưới sự điều hành của Tổng thống Donald Trump.

Cuộc tấn công quân sự của Mỹ ở Syria gần đây diễn ra sau khi Tổng thống Trump tuyên bố tất cả các lựa chọn, bao gồm cả hành động quân sự, đều đang được cân nhắc liên quan tới CHDCND Triều Tiên.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ), Triều Tiên vẫn thường xuyên tiến hành các vụ phóng thử tên lửa.

Gần đây nhất, sáng 16/4 (theo giờ Hà Nội), Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng tên lửa mới, nhưng Mỹ cho rằng quả tên lửa của Triều Tiên đã phát nổ gần như ngay lập tức sau khi phóng.

Tổng Giám đốc điều hành (CEO) FPG Securities Co., ông Koji Fukaya, nhận định hiện đang xuất hiện sự bất ổn tại các thị trường tài chính về những bất ổn địa chính trị sẽ xảy ra. Liệu G20 có thể xoa dịu tâm lý thị trường là vấn đề then chốt.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 18/4 nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2017 lên 3,5%.

Một nền kinh tế Mỹ vững mạnh hơn được cho là sẽ mở thêm khả năng cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất và làm tăng sức hấp dẫn của đồng USD so với các đồng tiền mạnh khác như yen và euro.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc hiện vẫn nằm trong danh sách các nền kinh tế cần được Mỹ giám sát về chính sách tiền tệ.

Nhóm G20 gồm các nước Argentina (Ác-hen-ti-na), Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Quan chức chính phủ cấp cao của Đức ngày 18/4 cho biết tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 sắp tới, nước này sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của toàn cầu hóa và thương mại tự do đối với tăng trưởng cũng như nhu cầu đối với các cải cách để tăng cường khả năng “chống sốc” trong thời gian tới.

>>>Các nhà lãnh đạo tài chính G20 bàn biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển

>>>G20 muốn khắc chế những nguy cơ từ hệ thống quản lý tài sản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục