Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển thương mại

15:41' - 07/03/2017
BNEWS Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á-Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại đã khai mạc tại Hà Nội ngày 7/3.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị  cấp cao Liên hợp quốc về hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển thương mại ngày 7/3 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Khang.

Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan đại diện cấp cao của Liên hợp quốc về nhóm các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển và các nước đảo nhỏ đang phát triển (UN-OHRLLS) chủ trì tổ chức Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; đại diện 29 tổ chức quốc tế và khu vực ; đại biểu đến từ 38 quốc gia, trong đó không chỉ là các nước không có biển và trung chuyển mà còn có nhiều đối tác phát triển; một số hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển...

Vì mục tiêu phát triển bền vững

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, năm 2017 là năm thứ hai triển khai Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Đây là Chương trình nghị sự đầy tham vọng mang tính chuyển đổi và bao trùm cho người dân, vì người dân và của dân. Đây cũng là chương trình được hỗ trợ bởi đối tác toàn cầu về phát triển bền vững, được định hướng bởi công bằng, chia sẻ trách nhiệm, không để cho bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam cam kết hoàn toàn với Chương trình nghị sự 2030 và ủng hộ cho các đối tác hợp tác. Việt Nam tin tưởng rằng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với sự tham gia của nhiều bên là hết sức quan trọng để giúp đỡ được các quốc gia, trong đó có quốc gia trung chuyển và quốc gia không có biển, vượt qua được thách thức đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Việc đối tác và hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi giữa các quốc gia đang phát triển không có biển và các quốc gia trung chuyển sẽ là con đường để có được sự thịnh vượng trong tương lai.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực sự hiểu được giá trị của thương mại, đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và nhiều hiệp định thương mại tự do khác.

Việc này giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn với những thị trường trên thế giới, đóng góp nhiều vào thành tựu phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam. Hầu hết là những thành tựu đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy quan hệ với các quốc gia láng giềng, trong đó có việc thúc đẩy kết nối về kinh tế.

Sự thành công, thịnh vượng của các quốc gia láng giềng sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của chính Việt Nam và giúp đảm bảo bền vững cho toàn bộ khu vực.

Việt Nam đã thực hiện nhiều bước khác nhau để đẩy mạnh kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng đối với các quốc gia láng giềng, đặc biệt, quốc gia đang phát triển không có biển láng giềng của Việt Nam là nước Cộng hòa Dân Chủ Nhân dân Lào cả về mặt song phương và khu vực.

Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với các quốc gia hạ nguồn sông Mê Công để phát triển hành lang kinh tế, kết nối những khu vực xa xôi với các cảng biển quốc tế…

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ cảm ơn Liên hợp quốc đã có nhiều hỗ trợ Việt Nam trong việc đạt được thành tựu về kinh tế -xã hội. Việt Nam đã rất nỗ lực đóng góp vào công tác của Liên hợp quốc trong 40 năm qua và cam kết làm nhiều hơn nữa.

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển thương mại. Ảnh: Nguyễn Khang.
Tăng cường những quy trình thông quan

Ông Gyan Chandra Acharya, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đại diện cao cấp Cơ quan đại diện cao cấp về Nhóm các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển và các nước đảo nhỏ đang phát triển cho rằng, để những mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 này trở thành hiện thực, các quốc gia cần theo đuổi cách tiếp cận với sự tham gia của nhiều bên.

Các quốc gia cần chúi trọng vào các công cụ thực thi ODA, huy động các nguồn vốn trong nước, thương mại, đầu tư, công nghệ cũng như xây dựng năng lực.

Thương mại đóng một vai trò quan trọng và cũng là một công cụ thực thi Chương trình nghị sự 2030, là động lực của tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Ông Frederick MusiiwaMakamureShava, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) cho biết, thông qua các cơ chế đã được khẳng định để nâng cao kết nối hạ tầng, phát triển hạ tầng và kết nối về công nghệ thông tin cũng như cải thiện, tăng cường những quy trình thông quan đẩy mạnh những chương trình thuận lợi hóa thương mại, xây dựng một khung pháp lý về trung chuyển.

Đối tác cũng rất quan trọng để chia sẻ được kinh nghiệm, chính sách tốt nhất về những sáng kiến và giải pháp, thúc đẩy, triển khai các mục tiêu về phát triển bền vững đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia láng giềng.

Ông Hongbu Wu , Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề kinh tế - xã hội nhấn mạnh, giao thông vận tải bền vững là chìa khóa để đạt được tăng trưởng bền vững, hội nhập kinh tế mà vẫn đảm bảo được môi trường.

Các quốc gia cần đạt được một nỗ lực hướng tới các phương tiện giao thông vận tải xanh hơn, kết nối hệ thống đường bộ, đường biển, đường không, đảm bảo nhu cầu về giao thông vận tải cơ bản cho tất cả mọi người và không bỏ lại ai ở phía sau.

Các quốc gia đang phát triển không có biển, cần có một hệ thống giao thông hiệu quả kết nối họ với quốc tế; cải thiện tất cả các loại hình giao thông vận tải, tạo môi trường pháp lý phù hợp cho phát triển giao thông vận tải bền vững, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các quốc gia không có biển và các đối tác phát triển ở cấp quốc gia song phương, đa phương, quốc tế.

Ông MukhisaKituyi, Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển cho rằng, các nước không có biển hiện nay đang phải phụ thuộc vào việc xuất khẩu mà giá trị gia tăng thấp.

Việc không tiếp cận đường biển đã làm giảm cơ hội giao thương, tăng tổn thất về thương mại so với các nước có biển. Do vậy, việc hợp tác giữa các nước không có biển, các nước trung chuyển và các đối tác trong khu vực, trên thế giới đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Các nước không có biển phải đặt ưu tiên cho chính sách trong việc tăng cường hơn nữa mang lại cơ hội cho chính họ để họ tiếp cận với hệ thống vận tải quốc tế.

Bà Shamshad Akhtar, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Thư ký điều hành Ủy ban kinh tế - xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc cho rằng, cần có hành động mạnh mẽ để đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu của các nước không có biển.

Các chương trình sáng kiến nỗ lực về hội nhập cần được hỗ trợ để các quốc gia tiếp cận được với thị trường khu vực và toàn cầu, giải quyết những thách thức mang tính kết cấu, giải quyết các vấn đề về hội nhập quốc tế. Các quốc gia nên kết nối với nhau về kỹ thuật để phát triển giao thông vận tải.

Thúc đẩy kết nối hợp tác khu vực

Ông Mahmoud Mohieldin, Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển, Quan hệ và đối tác với Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới cho biết, các nước đang phát triển không có biển đóng vai trò rất quan trọng và bản thân họ tự quyết định rằng, họ có thể là một nước đóng vai trò kết nối về đường bộ.

Các quốc gia không có biển vẫn có nhiều cơ hội trở thành nước cung cấp đường vận tải. Các nước có biển thông qua việc xây dựng các hành lang kinh tế thuận lợi lớn hơn cho doanh nghiệp và cho đầu tư.

Ông Kunio Mikuriya, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan thế giới nhấn mạnh, khi không có biển, các quốc gia sẽ phải thông qua các quốc gia lân cận để tiếp cận với các cảng biển, khoảng cách dài sẽ nâng chi phí vận chuyển của họ. Nếu hệ thống hải quan tốt sẽ thúc đẩy thuận lợi trao đổi quốc tế.

Ông JinLiqun, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á cho biết, toàn cầu hóa mang lợi ích chung cho tất cả các nước trên thế giới.

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á được thiết lập nhằm tăng cường thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cũng như thúc đẩy kết nối hợp tác khu vực thông qua đầu tư vào hạ tầng cơ sở cũng như các lĩnh vực sản xuất khác.

Ông Umberto de Pretto, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải đường bộ quốc tế cho rằng, cần biến các quốc gia không có biển thành các quốc gia kết nối trên bộ, tầm nhìn là phải có hệ thống đường bộ để kết nối từ những làng mạc xa xôi tới những thị trường quốc tế.

Nếu không kết nối được với nhau qua một hệ thống đường bộ và hệ thống giao thông vận tải đa phương tiện, sẽ không thể nào đưa được những doanh nghiệp nhỏ đến với thị trường quốc tế. Vận tải đường bộ sẽ là yếu tố quyết định trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị gồm có phiên khai mạc và 6 phiên họp thảo luận chuyên đề tập trung vào các nội dung: Trung chuyển, thuận lợi hóa thương mại trong thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

Các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa các nước không có biển, các nước trung chuyển trong lĩnh vực hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, xây dựng các tuyến trung chuyển trong lĩnh vực hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, xây dựng các tuyến trung chuyển liên quốc gia, thu hút nguồn vốn và xây dựng các khuôn khổ pháp lý song phương và đa phương cần thiết.

Vai trò của các tổ chức quốc tế và khu vực, tổ chức tài chính, ngân hàng và các nhà tài trợ trong việc hỗ trợ các nước không có biển và trung chuyển khắc phục khó khăn, tham gia ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu./.

>>>Triển khai Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững

>>>Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục