Thủ tướng: Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội

16:37' - 07/12/2016
BNEWS Sáng 7/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội.
Sáng 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến về phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Theo Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, tính đến thời điểm này, cả nước đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động tại đô thị và khu công nghiệp.

Tuy nhiên, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (tương đương 71.150 căn hộ), so với chỉ tiêu đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.

Bên cạnh đó, việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ. Cơ cấu sản phẩm nhà ở xã hội còn mất cân đối.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng việc quy hoạch đất đai – yếu tố mang tầm quyết định trong việc triển khai chương trình này vẫn chưa chực sự được triển khai đúng yêu cầu.

Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp tham gia các chương trình nhà ở xã hội, ông Nam mong muốn Chính phủ sớm cân đối gói tín dụng tiếp nối gói 30 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội. Ông Nam cũng đề nghị việc triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cần đánh giá kỹ tình hình đặc thù của các địa phương để có giải pháp phù hợp.

Điều này nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp tham gia hội nghị, Nhiều ý kiến cho rằng, nhu cầu mua nhà ở xã hội còn rất lớn và mong muốn Nhà nước sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này với những ưu đãi nhiều hơn về chính sách, đất đai để doanh nghiệp hạ thấp hơn nữa giá thành nhà ở phù hợp với điều kiện của công nhân và người nghèo.

Theo thống kê của Tổng liên đoàn, hiện nay, cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Song, bằng nhiều nguồn khác nhau, chỉ có thể giải quyết được 8-10% trong số này, 1,5 triệu người còn lại hiện đang phải đi thuê nhà dân để ở với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và tác động đến năng suất lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Đặt vấn đề tại sao chủ trương, chính sách đã có đầy đủ mà việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến hành chậm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần coi đây là một kênh đầu tư, tăng trưởng để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia,hơn nữa, lĩnh vực này sử dụng hầu như 100% hàng nội địa.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương lập kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn để phát triển nhà ở xã hội trên cơ sở đánh giá khả năng chi trả của người dân và tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời chủ động hơn nữa về quỹ đất đai, công trình hạ tầng và tạo điều kiện để chính các hộ gia đình được đầu tư.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các địa phương sau cuộc họp phải thống nhất quán triệt tinh thần, chủ trương phát triển nhà ở xã hội, bởi đây là hoạt động đầu tư cho phát triển, hướng đến người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân và người lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Chỉ thị về việc phát triển nhà ở xã hội.

“Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân; cần trân trọng và khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn phát triển nhà ở xã hội cho cả 9 nhóm đối tượng”, Thủ tướng nói.

Đặc biệt nhấn mạnh đến việc đầu tư cho nhà ở cho công nhân vốn đang rất bức xúc hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù nhà ở công nhân là một nhóm của nhà ở xã hội, nhưng Chính phủ rất lo lắng về vấn đề này trong bối cảnh hiện 1,5 triệu công nhân chưa có nhà ở tối thiểu cần thiết, cho nên đời sống công nhân quá khó khăn, nhất là tại các khu công nghiệp, tỷ lệ còn quá thấp.

Lưu ý vấn đề “Nhà ở cho người có thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp”, Thủ tướng cho rằng, ngoài vốn từ ngân sách, chủ các khu công nghiệp cũng phải lo việc phát triển nhà ở cho công nhân; trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải dành đất đai cho phát triển nhà ở. Cùng với đó là huy động các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, huy động chính công nhân và người dân đầu tư làm nhà ở xã hội.

Về giải pháp thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ xây dựng chủ trì, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế cho phát triển nhà ở xã hội. Trong đó đảm bảo quy trình thủ tục thuận lợi. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác các nguồn lực trung và dài hạn từ xã hội, theo hướng giảm dần nguồn lực ngân sách.

Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, có cơ cấu sản phẩm phù hợp, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa. Trong một khu đô thị phải gồm cả nhà ở cho thuê, nhà thương mại, dành một tỷ lệ nhà cần thiết, có thể là 50% số lượng, cho công nhân mua theo dạng nhà ở xã hội.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đồng ý với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện có hiệu quả Đề án thí điểm xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao tại khu công nghiệp. Nhà nước sẽ có sự hỗ trợ Tổng liên đoàn trong quá trình triển khai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục