Hội nghị GMS6-CLV10: Phát triển các động lực tăng trưởng mới, kinh nghiệm từ các quốc gia

21:14' - 30/03/2018
BNEWS Chiều tối 30/3, các diễn giả là lãnh đạo các quốc gia thành viên GMS, đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận về các giải pháp tạo ra môi trường thuận lợi và phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Tại Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn Thượng dỉnh Kinh doanh tiểu vùng Mekong mở rộng, chiều tối 30/3, các diễn giả là lãnh đạo các quốc gia thành viên GMS, đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận về các giải pháp tạo ra môi trường thuận lợi nuôi dưỡng và phát triển các động lực tăng trưởng mới, thông qua những kinh nghiệm từ các quốc gia.

*Tạo cơ hội kết nối các quốc gia láng giềng

Chia sẻ câu chuyện phát triển cơ sở hạ tầng ở Lào, Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith cho biết: Lào là nước duy nhất trong ASEAN không có biển.

Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith phát biểu tại Phiên toàn thể. Ảnh: TTXVN

Vì vậy, Lào đã đề ra chính sách “Biến đất nước từ chỗ không có biển thành đất nước kết nối đường bộ”. Chính sách của Lào là trở thành điểm trung chuyển của 5 quốc gia còn lại trong GMS, từ đó tạo cơ hội kết nối các nước láng giềng với nhau.

Thủ tướng Thongloun Sisoulith khẳng định, ngoài kết nối đường bộ thì kết nối hàng không cũng rất quan trọng. Lào có cảng hàng không quốc tế lớn, có hệ thống sân bay, đường truyền tải điện giữa Lào và các quốc gia ASEAN.

Hiện tại, Lào đang thúc đẩy đàm phán cung cấp điện cho Singapore, Malaysia và một số quốc gia khác trong khu vực. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cũng kêu gọi các quốc gia khác trong khu vực hỗ trợ những nỗ lực của Lào để đất nước này có thể phát triển theo hướng trở thành một nước trung chuyển trong vận tải.

*Tăng cường liên kết các ngành kinh tế trong khu vực

Thảo luận về vấn đề kết nối các động lực nhằm phát triển kinh tế giữa các quốc gia GMS, Phó Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar U Henry Van Thio cho rằng, để đảm bảo thành công trong quá trình phát triển của GMS, cần lồng ghép, tăng cường tính kết nối và liên kết các ngành kinh tế trong khu vực; đồng thời đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác cụ thể.

Phó Tổng thống U Henry Van Thio khẳng định, Myanmar đã đạt được những kết quả đáng kể trong tiến trình phát triển kinh tế, đặc biệt là trong xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thông qua quá trình này, nền kinh tế Myanmar đã phát triển một cách bền vững và tự cường hơn, tập trung vào việc thiết lập và kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thương mại.

Trong quá trình liên kết các chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, Myanmar cũng là quốc gia được hưởng lợi từ việc thu hút nhiều nguồn tài chính khác nhau phục vụ cho phát triển đất nước. Việc tăng cường hệ thống thu thuế quốc gia cũng cho phép Myanmar đảm bảo sự ổn định của các dòng trung chuyển vốn.

*Tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư

Nêu ý kiến về giải pháp để các quốc gia kiến tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan - ocha chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan.

Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu tại Phiên toàn thể. Ảnh: TTXVN

Theo đó, tăng trưởng kinh tế Thái Lan đã được duy trì ở mức độ ổn định trong một thời gian dài, mặc dù có rất nhiều thay đổi về đầu tư nội địa và đầu tư nước ngoài, cũng như dòng di chuyển của các doanh nhân. Các yếu tố đó tác động và tương tác lẫn nhau.

Từ 20 năm trước, Thái Lan đã đề cao tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và hiện nay vẫn tiếp tục kiên trì các nguyên tắc đã đề ra vì lợi ích của người dân.

Chính phủ Thái Lan đề ra những chính sách phát triển kinh tế để người dân đạt được mức thu nhập trung bình cao; đồng thời vận dụng chính sách “Thái Lan 4.0” để thúc đẩy phát triển kinh tế; tự tạo cơ hội cho chính mình và các nước đối tác.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng nhất trí, nhịp độ phát triển hiện nay của tiểu vùng này có thể được nâng cao hơn nữa, thông qua tăng cường đối thoại, hợp tác và phối hợp trong các mục tiêu phát triển.

Các doanh nghiệp, các tổ chức phát triển quốc tế và khu vực có vai trò quan trọng, quyết định trong thực hiện thành công các mục tiêu về đẩy mạnh phát triển khu vực.

Các đại biểu khẳng định vị trí chiến lược của các quốc gia GMS trong tổng thể phát triển và thịnh vượng chung của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Các phát biểu đều đánh giá cao tốc độ phát triển của khu vực GMS, cho rằng với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng, lên tới 6,1 %/năm vừa qua, trong tương lai không xa, tiểu vùng sông Mekong có thể trở thành một trong những vùng đất có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới./.

Xem thêm:

>>>Hội nghị GMS6 - CLV10: Tăng cường đối thoại, hợp tác trong các mục tiêu phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục