Hội nghị GMS 6-CLV 10: Việt Nam sẵn sàng hợp tác PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng

18:05' - 30/03/2018
BNEWS Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các nhà tài trợ quốc tế với mong muốn thu hút thêm nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên thảo luận "Phát triển cơ sở hạ tầng và Tài chính cho cơ sở hạ tầng". Ảnh: TTXVN

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thể tại phiên họp Phát triển cơ sở hạ tầng và Tài chính cho cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS diễn ra vào chiều 30/3 tại Hà Nội.
Khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Trước nhu cầu to lớn về phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước GMS, việc xác định giải pháp khả thi để tạo nguồn vốn cơ sơ hạ tầng là rất cấp bách.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, mặc dù, Việt Nam có đầy đủ 5 loại hình giao thông nhưng sự phát triển còn chưa đồng đều và hoàn thiện.

Với hệ thống đường sắt, tuy Việt Nam có sớm nhất khu vực Đông Dương, (từ hơn 100 năm), song do trải qua nhiều năm chiến tranh, cùng những khó khăn về kinh tế nên đến nay, hệ thống đường sắt vẫn chưa phát triển và chưa được hiện đại hoá.
Về hàng không, Việt Nam có 8 cảng hàng không quốc tế, 31 đường bay quốc tế và trên 50 đường bay nội địa, song phần lớn các sân bay hiện có quy mô hạn chế; chưa sân bay nào đạt tiêu chuẩn là đầu mối của khu vực.

Để có thể trở thành điểm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á và châu Á; đồng thời nằm trong khu vực kinh tế phát triển năng động Việt Nam cần tập trung xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Dự kiến, năm 2019 sẽ thông qua dự án tổng thể này, ông Thể cho biết.
Về đường bộ, Việt Nam phấn đấu xây dựng hơn 8.500 km đường cao tốc. Song, hiện chỉ mới có hơn 800 km đường cao tốc và 400 km đang xây dựng. Từ 2020, Việt Nam sẽ đầu tư thêm 650 km đường cao tốc nữa...

Trong khi đó, hệ thống đường thuỷ và cảng biển của Việt Nam hiện có 32 cảng quốc tế, 57 cảng sông nội địa, tuy có nhiều tiềm năng phát triển, song còn chưa được khai thác hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, với 5 loại hình vận tải như nêu trên chỉ mới đáp ứng nhu cầu hiện tại. Trong tương lai với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%-8%/năm, hệ thống cơ sở hạ tầng như hiện nay là khó có thể đáp ứng được thực tiễn.

Chính vì lẽ đó, Việt Nam kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và các nước hỗ trợ vốn ODA; đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi nhằm giúp Việt Nam đầu tư vào cơ sở hạ tầng; qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tất cả các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế. Để đẩy mạnh hình thức đầu tư PPP, Việt Nam đang soạn thảo Luật đầu tư công. Dự kiến, Quốc Hội sẽ thông qua luật này trong năm 2018.
Bộ trưởng cũng cho biết, sắp tới, Việt Nam sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế 8 gói thầu đường cao tốc Bắc - Nam. "Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư kể cả trong nước và quốc tế trên tinh thần minh bạch thông qua đấu thầu các dự án PPP".
Với tư cách là một nước có nhiều đóng góp và phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực, phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio, cho biết, thông qua khuôn khổ hợp tác giữa khu vực Mekong và Nhật Bản từ cuộc họp Thượng đỉnh Mekong Nhật Bản năm 2009.

Qua nhiều năm hợp tác, Nhật Bản đã có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng dành cho khu vực GMS.
Sự hỗ trợ của Nhật Bản không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng cứng như đường cao tốc, cầu, cống, mà còn chú trọng phát triển hạ tầng mềm như phát triển nguồn nhân lưc.

Đại sứ cũng tin tưởng, việc tạo ra sự kết nối năng động như vậy sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực sông Mekong.
Đại diện Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, bà Supee Tavaninthor, Vụ trưởng, Vụ phụ trách các hoạt động đầu tư I, nhấn mạnh, việc tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, là một động lực quan trọng để thúc đẩy hợp tác trong GMS.

Qua đó, tăng cường gắn kết quan hệ giữa 6 nước thành viên GMS với hơn 340 triệu dân và tổng diện tích khoảng 2,6 triệu km vuông.
Bà Supee cũng chỉ ra rằng, nhu cầu năng lượng của các nước GMS ngày càng tăng do quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng. Vì thế, các nước GMS cần tăng cường trao đổi năng lượng trong khu vực.

Ví dụ như Campuchia là nước xuất khẩu dòng điện năng; Thái Lan nhập khẩu nhiều khí đốt từ Myanmar.

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối hành lang giao thông GMS diễn ra với tốc độ chưa cao. Bà Supee kêu gọi cần tăng cường việc đầu tư và ưu tiên việc phát triển đường giao thông cho vận chuyển người và hàng hoá xuyên biên giới giữa các nước GMS./.
Xem thêm:

>>>Hội nghị GMS6 - CLV10:Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các địa phương Trung Quốc

>>>Hội nghị GMS6 - CLV10: Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục