Hội nhập kinh tế quốc tế: Không thể chần chờ thêm nữa

21:11' - 29/02/2016
BNEWS Kể từ đầu năm 2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự bước vào cuộc cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt. Do đó, các doanh nghiệp phải tập trung ngay vào khai thác các lợi thế.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự bước vào cuộc cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt. Ảnh minh họa: TTXVN.
Từ năm 2016 trở đi, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự bước vào cuộc cạnh tranh mang tính toàn cầu, được dự báo sẽ vô cùng khắc nghiệt, khi buộc phải chấp nhận quy luật đào thải. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, không thể chần chờ thêm nữa, giờ là lúc phải tập trung ngay vào khai thác những mặt lợi thế, những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như xuất khẩu nông sản, hàng dệt may, da giày…, đồng thời chuyển hướng những lĩnh vực kém hiệu quả khai thác, những mặt hàng tiềm ẩn rủi ro cao để vươn lên. 

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, người nhiều năm đương nhiệm vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khu vực kinh tế đóng góp hơn 80% GDP và đáp ứng việc làm cho hơn 95% lao động cho rằng, nền kinh tế dù đã có những bước chuyển mình trong năm 2015 và đang dần hồi phục song vẫn chưa hết những khó khăn trước mắt. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu cảm nhận ngày càng rõ hơn sức ảnh hưởng và những tác động to lớn từ cạnh tranh do hội nhập quốc tế mang lại. 

Sau một thời gian tìm hiểu và nắm bắt thông tin, cam kết từ các hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia, các liên minh kinh tế, giờ là lúc doanh nghiệp phải xây dựng cho mình những chiến lược thích ứng phù hợp; trong đó gồm cả việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng hình ảnh, thương hiệu và uy tín cho doanh nghiệp; thiết kế các chương trình chăm sóc khách hàng; hay tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước… 

“Doanh nghiệp cần biết đối thủ cạnh tranh của mình là ai để xây dựng kế hoạch đối phó. Bằng không, khó khăn sẽ còn kéo dài năm này qua năm khác và thời gian chính là điểm yếu của doanh nghiệp chúng ta”, ông Kiêm khuyến cáo. 

Dây chuyền sản xuất của Công ty giày da Hồng Mỹ 2. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Tháng 2/2016, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và dự kiến đến năm 2018 sẽ có hiệu lực. Trước đó, ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng chính thức được thành lập và tới năm 2018 sẽ hoàn toàn xóa bỏ hàng rào thuế quan trong khu vực. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng cơ bản hoàn tất đàm phán mới đây… 

Như vậy có thể thấy, vẫn còn một khoảng chờ nhất định cho đến khi lộ trình được thực hiện. Các doanh nghiệp cần làm điều gì đó ngay vào lúc này để củng cố sản xuất, hơn là ngồi chờ một cách thụ động. Điều cần làm chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp tốt lên, năng động lên, cải thiện kết quả kinh doanh… dù cho có thể chưa chắc đã giành phần thắng khi cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm. 

Ông Nhung khẳng định, doanh nghiệp cần biết tận dụng lộ trình cam kết của hội nhập, cần tích cực trao đổi chính sách để có những phản hồi cần thiết. Doanh nghiệp cũng phải tích cực tìm kiếm và đa dạng hóa thị trường, bằng nhiều cách và từ nhiều phía. Doanh nghiệp cần tranh thủ các kênh hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng, về ưu đãi sử dụng đất đai, về thuế, về đào tạo… để nâng chất cho chính mình. 

Không thể phủ nhận, giữa rừng thông tin về hội nhập; giữa những lớp sóng cạnh tranh ngày càng nhiều và càng cao đang đổ vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa khó tránh khỏi tâm lý lo ngại. Chuyên gia Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, doanh nghiệp cần tự tin và luôn nhớ một nguyên lý: Trong hội nhập, quan trọng nhất không phải là lợi thế tuyệt đối, mà phải dựa vào lợi thế so sánh. Cho dù, đối với Việt Nam, mọi thứ đều đang phải nhập khẩu. Song ở đâu và bất kỳ doanh nghiệp nào đều phải biết tận dụng ngay cơ hội. Đừng thấy mạnh mẽ mà sợ, vì bất kỳ ai cũng đều có lợi thế./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục