Ngành da giày "đón" TPP

08:47' - 07/02/2016
BNEWS Nhờ cú hích TPP, năm 2015 ngành da giày – túi xách đã xuất khẩu được tổng giá trị trên 14,9 tỷ USD cao nhất từ trước tới nay; trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất (5,1 tỷ USD).
Dây chuyền sản xuất giày tại nhà máy. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam được đánh giá là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ xuất khẩu dệt may, da giày và nông lâm, thủy sản.

Với mục tiêu năm 2016 toàn ngành da giày – túi xách xuất khẩu đạt giá trị khoảng 17 tỷ USD, vấn đề đầu tư dây chuyền công nghệ, tăng vốn mở rộng sản xuất là việc làm thiết thực của các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt là vốn và năng lực sản xuất chuyên sâu.

Phần lớn các doanh nghiệp trong ngành da giày hiện nay chỉ chăm chú gia công cho nước ngoài giá trị ngoại tệ thu về rất ít mà thiếu đầu tư sản xuất khép kín. Thật sự nhiều doanh nghiệp Việt trong ngành da giày hiện nay chưa đủ tầm để tham gia vào TPP.

Ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch Hội Da giày Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: “TPP đòi hỏi ngành da giày phải tự chủ về nguyên phụ liệu, không được nhập khẩu nguyên phụ liệu từ những nước không phải là thành viên của TPP. Đây lại là điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp da giày, khi phần lớn nguyên phụ liệu phải nhập từ nước ngoài, mà chủ yếu từ Trung Quốc”.

Ông Hưng cho biết, nguyên phụ liệu chiếm từ 68 – 75% giá thành sản phẩm giày dép. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của doanh nghiệp Việt chỉ đạt 40-45%. Các nguyên phụ liệu quan trọng như da thuộc, mũ giày, da nhân tạo, vải nhân tạo… đều phải nhập khẩu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam Diệp Thành Kiệt cũng khẳng định, Việt Nam mới chủ động được nguyên liệu giày vải (100%) và một số dòng sản phẩm khác (30-40%). Nhà máy thuộc da chưa đáp ứng được 10% nhu cầu và hiện chỉ hoạt động được 25% công suất do thiếu nguyên liệu…

Vì vậy, hàng năm các doanh nghiệp phải chi 300 triệu USD nhập nguyên liệu giả da và hơn 1 tỷ USD để nhập da thuộc. “Nếu chúng ta chủ động trong nước toàn bộ nguyên phụ liệu này, thì đồng nghĩa không phải mất hàng tỷ USD nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Kiệt nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách, năm 2015 xuất khẩu tăng trưởng của ngành ở hầu hết các thị trường. Nhưng Hoa Kỳ là thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất, chiếm tới 43% kim ngạch xuất khẩu, đạt 5,1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2014; EU đạt 4,4 tỷ USD, tăng 20%, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp sau là thị trường Nhật, Trung Quốc...

Đáng chú ý, khối doanh nghiệp FDI vẫn là thành phần chủ lực của xuất khẩu da giày Việt Nam , đạt 9,55 tỷ USD và tăng trưởng 20% so với năm trước. Hiện có nhiều doanh nghiệp FDI trong ngành da giày đang tăng vốn, mở rộng sản xuất để đón đầu cơ hội TPP, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam lại gặp phải vấn đề vốn và phải phụ thuộc nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Thông tin từ Hiệp hội Da giày – Túi xách, hiện Công ty Chang Shin (100% vốn Hàn Quốc) chuyên gia công cho hãng giày Nike (Hoa Kỳ ở tỉnh Đồng Nai đang có kế hoạch mở rộng sản xuất.

Được thành lập từ năm 1995, với số vốn đầu tư ban đầu chỉ 11 triệu USD, có 5.000 công nhân, nay Công ty Chang Shin tăng vốn lên 160 triệu USD để mở rộng sản xuất. Năm 2016 công ty sẽ tuyển thêm 23.500 lao động. Với mức đầu tư này, công suất sản xuất sẽ được nâng lên gấp 10 lần, tương đương với sản lượng khoảng 27 triệu đôi giày/năm.

Cũng theo Hiệp hội Da giày - Túi xách, tay nghề của hơn 600.000 công nhân ngành da giày – túi xách Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với công nhân của các quốc gia trong TPP.

Song, hơn bao giờ hết, Hiệp hội mong mỏi Chính phủ có những cơ chế, chính sách căn cơ, đột phá ngay từ bây giờ để chuẩn bị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ lực để gia nhập cuộc chơi này. Nếu chậm trễ, “miếng bánh” TPP sẽ không vào doanh nghiệp Việt mà sẽ bị các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hưởng trọn.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, khi tham gia vào TPP cơ hội cho xuất khẩu các mặt hàng giày da, may mặc là rất lớn, nhưng để tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp phải đầu tư sản xuất sâu, giảm gia công và phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Muốn làm được điều đó, trước tiên nhà nước phải có chiến lược dài hơi như đầu tư các khu công nghiệp dành riêng cho sản xuất da giày – túi xách; có chương trình đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp sản xuất da giày; tạo các cơ chế ưu đãi về thuế quan… để tạo sức bật cho các doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Thuấn nhấn mạnh, Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành, song để hiện thực hoá cần thông tư hướng dẫn và có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp mới triển khai được.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục