Hơn 1.300 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Saigontex 2023

15:30' - 05/04/2023
BNEWS Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may – thiết bị và nguyên phụ liệu 2023 (Saigontex 2023) đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh quy tụ hơn 1.300 doanh nghiệp.

Ngày 5/4, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh (Agtek) đã tổ chức Triển lãm quốc tế thường niên ngành công nghiệp dệt may – thiết bị và nguyên phụ liệu 2023 (Saigontex 2023) tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh.

 

Đây là triển lãm quốc tế dẫn đầu Đông Nam Á của ngành công nghiệp dệt may và phụ liệu may mặc.

Saigontex 2023 có quy mô lớn nhất kể từ năm 1991, với gần 2.000 gian hàng của hơn 1.300 doanh nghiệp đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Ban tổ chức có thiết kế khu vực trưng bày riêng biệt về “nhuộm, sợi và hóa chất” với khoảng 75 nhà cung cấp quốc tế.

Những đơn vị tham dự triển lãm năm nay, tập trung giới thiệu đa dạng giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm mở ra kỷ nguyên mới bền vững cho ngành dệt may. Saigontex 2023 là cơ hội tốt cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm kiếm đối tác, lựa chọn công nghệ, thiết bị hiện đại phù hợp với định hướng phát triển, đồng thời cũng bắt kịp xu hướng của ngành dệt may toàn cầu.

Trong 4 ngày diễn ra Saigontex 2023 (từ ngày 5- 8/4/2023), Ban tổ chức còn tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề với sự tham gia của diễn giả trong nước và quốc tế, nhằm thông tin và dự báo tình hình kinh tế thế giới, thị trường ngành dệt may, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… Ngoài ra, một số hội thảo do VCCI, Vitas, Vinatex, Agtek... tổ chức được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, khách tham quan về thông tin cơ chế chính sách, định hướng phát triển ngành.

 

Tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Saigontex 2023 là nơi quy tụ nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có những quốc gia có nền công nghiệp dệt may phát triển, mang lại điều kiện thuận lợi tiếp cận những công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại... Song song đó, cộng đồng doanh nghiệp có thể tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp, thúc đẩy mối quan hệ giap thương, tham gia sâu rộng vào chỗi giá trị toàn cầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng thị trường thương mại tự do.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, để đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2030, ngành dệt may Việt Nam cần thay đổi tầm nhìn, chiến lược; trong đó, chú trọng phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn, sản xuất xanh... Đồng thời, trước tình hình kinh tế với những nguy cơ khó lường, doanh nghiệp dệt may chủ động tìm hướng đi phù hợp, đảm bảo mục tiêu lâu dài phát triển ngành theo hướng bền vững.

Còn ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho hay, trong nhiều năm Tập đoàn đã phối hợp cùng Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam và Công ty Tổ chức Triển lãm CP tổ chức thành công các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp; trong đó, có Saigontex 2023. Sau một thời gian dịch COVID-19 khiến việc tổ chức triển lãm bị gián đoạn cũng như thay đổi về thời điểm, Saigontex 2023 đã trở lại với quy mô triển lãm gấp 3 lần năm 2022, khẳng định sức hấp dẫn, thu hút của ngành dệt may Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập.

Về phía Tập đoàn đã và đang xây dựng chiến lược phát triển bền vững, dài hạn mang tính dẫn dắt ngành công nghiệp, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường, với chiến lược phát triển đến 2030 trở thành "một điểm đến trọn gói cho sản phẩm thời trang Xanh”. Vinatex không ngừng kết nối mạng lưới đối tác, nhà sản xuất, nhà cung cấp trên toàn thế giới để cập nhật thông tin công nghệ mới nhất, dự báo tình hình thị trường, xu hướng phát triển của ngành dệt may toàn cầu... cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục