Hơn 14.500 điểm bán hàng phục vụ Tết tại Hà Nội

17:35' - 23/01/2024
BNEWS Sở Công Thương Hà Nội đã vận động và phê duyệt 32 đơn vị tham gia chương trình (gồm 20 đơn vị của Hà Nội và 12 đơn vị của 6 tỉnh, thành phố), cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán.

Ngày 23/1, tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Sở Công Thương thành phố Hà Nội về Công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sở đã vận động và phê duyệt 32 đơn vị tham gia chương trình (gồm 20 đơn vị của Hà Nội và 12 đơn vị của 6 tỉnh, thành phố), cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán.

 

Theo đó, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và gần 500 bếp ăn tập thể sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2024. Hoạt động này nhằm thực hiện Kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, đặc biệt trong dịp Tết 2024.

Theo đó, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng Kế hoạch chuẩn bị hàng hóa với tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết phục vụ 3 tháng trước, trong và sau Tết gồm: 292,95 nghìn tấn gạo; 58,5 nghìn tấn thịt lợn; 19,5 nghìn tấn thịt gia cầm; 16,2 nghìn tấn thịt bò; 390 triệu quả trứng gia cầm; 325,5 nghìn tấn rau củ; 16,2 nghìn tấn thủy sản; 157 nghìn tấn trái cây… Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với thực hiện Tết năm 2023.

Ngoài ra, Hà Nội đã triển tổ chức trên 100 hoạt động, sự kiện giao thương, xúc tiến thương mại; trong đó, Sở Công Thương duy trì tổ chức khoảng 40 sự kiện. Qua chương trình đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên 5.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối; hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 500.000 tấn hàng hóa từ các tỉnh, thành phố.  

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân trong dịp trước trong và sau Tết với giá cả ổn định, hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ, Hapro đã sớm xây dựng Kế hoạch triển khai chương trình kinh doanh phục vụ một cách đồng bộ. Với tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng; trong đó bao gồm lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội.

Hapro cũng tập trung vào các sản phẩm do các đơn vị của Hapro sản xuất như Gạo Hapro Đồng Tháp; Hạt điều rang Hapro; các sản phẩm rượu vang Thăng Long; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt gà, thịt ba chỉ xông khói; bộ sản phẩm giò lụa, giò bò, giò gà...

Các mặt hàng bình ổn được bày bán tại 57 điểm bán hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội mang thương hiệu BRGMart, Haprofood, BRGMart. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi, bình ổn giá, trợ giá bán hàng không lợi nhuận cho người dân. Hệ thống siêu thị của Hapro sẽ bán hàng đến 18 giờ ngày 30 Tết và mở cửa trở lại vào 8 giờ ngày mùng 3 Tết.

Bà Nguyễn Minh Anh, đại diện hệ thống siêu thị Vincommart cho biết, tháng cận Tết, nhu cầu mua sắm tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm. Đơn vị đã xây dựng, lên phương án cung ứng hàng hóa 2-3 tháng trước Tết; đồng thời, thu mua hàng hóa các tỉnh, địa phương để chuẩn bị cho dịp Tết, chú trọng các mặt hàng trọng tâm như rau củ quả, thịt, trứng, cá...

Hiện nguồn cung lương thực thực phẩm luôn dồi dào, giá cả không biến động lớn. Đơn vị sẽ theo dõi diễn biến thị trường để bảo đảm nguồn thực phẩm cũng như bình ổn giá cho người dân dịp Tết.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị đã có kế hoạch kiểm soát thị trường nhất là mặt hàng xăng dầu. Thời gian sau Tết, thị trường thường xảy ra hiện tượng tẩy date hàng hóa, xâm phạm đến quyền lợi doanh nghiệp, người tiêu dùng. Ngoài ra, nguồn hàng dồi dào nhưng sức mua không tăng nên khả năng sau Tết phải "giải cứu" doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá cao việc Hà Nội chủ động trong công tác chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, đảm bảo bình ổn giá trong dịp cao điểm, nhất là tổ chức nhiều hoạt động, chương trình triển khai bình ổn giá thông qua các điểm bán hàng, đưa hàng về nông thôn.

Về phía doanh nghiệp cũng chủ động ký kết tìm nguồn cung dồi dào, phong phú đảm bảo giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đa dạng cách tiếp thị sản phẩm, qua nhiều hình thức bán hàng thông qua thương mại điện tử. Đến thời điểm hiện tại thành phố Hà Nội không thiếu hàng, song cần tăng cường kiểm tra giám sát bán hàng online.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng kém chất lượng. Thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra giám sát nhiều hơn nữa.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị thành phố Hà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhất là mặt hàng xăng dầu. Sở Công Thương Hà Nội cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để đáp ứng nhu cầu, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa vào trung tâm thành phố; tăng cường kiểm soát thị trường nhất là lương thực, thực phẩm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục