Hơn 20% số doanh nghiệp dự báo tăng quy mô lao động

17:22' - 15/09/2017
BNEWS Chiều 15/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, số 14, quý II/2017.
Hơn 20% số doanh nghiệp dự báo tăng quy mô lao động. Ảnh minh họa Đức Thọ/TTXVN

Dự báo, tăng trưởng GDP quý III đạt khoảng 6,9% sẽ tiếp tục tác động tích cực đến thị trường lao động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, đặc biệt ở các ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 36% tổng số doanh nghiệp thành lập mới); xây dựng (chiếm 12,9%); công nghiệp chế tạo (chiếm 12,9%).

Ngoài ra có 20,1% số doanh nghiệp dự báo tăng quy mô lao động.

Bên cạnh đó, giá trị nhập khẩu máy móc thiết bị (trong 6 tháng 2017) đã tăng sẽ làm tăng năng lực sản xuất trong 6 tháng cuối năm, tiếp tục tác động tích cực đến nhu cầu việc làm trong các ngành.

Quý III/2017, dự báo việc làm tăng trong một số ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo tăng 320 nghìn người; xây dựng tăng 136 nghìn người; vận tải kho bão tăng 169 nghìn người.

Một số ngành công nghiệp có tăng trưởng về việc làm, như: sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm liên quan; sản xuất điện tử, máy vi tính, sản xuất giường tủ bàn ghế.

Một số ngành việc làm dự báo giảm như: khai thác và xử lý cung cấp nước; khai khoáng.

Quý II, thị trường lao động có sự chuyển biến nhưng không lớn: số người có việc làm, tỷ lệ lao động hưởng lương tăng nhẹ; thất nghiệp giảm về số lượng và tỷ lệ, song tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tăng lên.

Số người có việc làm là 53,40 triệu, tăng 164,3 nghìn người (0,31%) so với quý II/2016 và 39,7 nghìn người (0,07%) so với quý I/2017.

Tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tiếp tục xu hướng tăng, đạt 42,7%. Số người làm việc trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 6,21 triệu người, tăng 38 nghìn người so với quý I/2017.

Số người làm việc trong các cơ sở kinh doanh cá thể cũng tăng 824 nghìn người so với quý I/2017.

So với quý I, số người có việc làm tăng nhiều nhất ở ngành xây dựng (166 nghìn người), tiếp đến là ngành giáo dục đào tạo (49 nghìn người); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (19 nghìn người); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (18 nghìn người).

Các ngành có số người làm việc giảm nhiều nhất là: Công nghiệp chế biến chế tạo (giảm 74 nghìn người); vận tải kho bãi (giảm 34 nghìn người); khai khoáng (giảm 34 nghìn người); hoạt động làm thuê trong hộ gia đình; sản xuất sản phẩm và dịch vụ tự tiêu dùng (giảm 30 nghìn người); nghệ thuật vui chơi và giải trí (giảm 21 nghìn người).

Cả nước có hơn 1,08 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 20,1 nghìn người so với quý I/2017 và 7,1 nghìn người so với quý II/2016.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm còn 2,26% thấp nhất trong 5 quý gần đây. Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 183,1 nghìn người, tăng 44,2 nghìn người so với quý I; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người này là 3,63%.

Nhóm trình độ cao đẳng có 82,6 nghìn người thất nghiệp, giảm 21,6 nghìn người; tỷ lệ thất nghiệp nhóm này giảm còn 4,96% nhưng vẫn ở mức cao nhất.

Nhóm trình độ trung cấp có 92,7 nghìn người thất nghiệp, tăng 9,4% nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp là 3,5%.../.

Xem thêm:

>>>Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục không cần thiết

>>>Ngành dịch vụ logistics Việt Nam: Thị trường còn bỏ ngỏ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục