Họp Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương

17:13' - 27/03/2019
BNEWS Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo, nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả cơ cấu, sắp xếp, xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ.

Ngày 27/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo, nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả cơ cấu, sắp xếp, xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ, đề xuất việc chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong Ban Chỉ đạo. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp diễn ra trong bối cảnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; 19 tập đoàn, tổng công ty từ các bộ đã được chuyển giao thành công về Ủy ban, nhiều dự án nằm trong các tập đoàn, tổng công ty này.

Bộ Công Thương đã đề ra các tiêu chí xem xét để đưa một số dự án, nhà máy ra khỏi diện 12 dự án yếu kém, thua lỗ.

Phiên họp sẽ xem xét dự án nào có thể đưa ra khỏi danh sách này, bởi những dự án đã hoạt động tốt, khi ra khỏi danh sách yếu kém, thua lỗ, thì các quan hệ tín dụng, huy động vốn, hệ số tín nhiệm trên thị trường sẽ tốt hơn.

* Nhiều dự án vận hành trở lại và giảm lỗ

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, đến năm 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi là: Nhà máy sản xuất phân bón  số 1 - Hải Phòng lãi 195,55 tỷ đồng và Nhà máy thép Việt - Trung lãi 469 tỷ đồng.

Hai tháng đầu năm 2019, Nhà máy DAP số 1 - Hải Phòng tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận ước đạt 12,047 tỷ đồng. 4 dự án còn lại vẫn tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất.

Trong 2 tháng đầu năm 2019, Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 30,68 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 10,135 tỷ đồng; Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 44,568 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại là Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi.

Đối với 3 dự án xây dựng dở dang, Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn định giá lại dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam và đang hoàn thiện các thủ tục trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức thực hiện bán đấu giá.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong Ban Chỉ đạo. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính, các cổ đông ngoài ngành không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với tổng thầu và các nhà thầu phụ.

Báo cáo thêm về tình hình của các dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Phó Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, đã xử lý dứt điểm tranh chấp pháp lý với nhà thầu EPC tại Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex); PVN không phải thanh toán các chi phí lên tới 23 triệu USD, tạo ra cơ sở để thực hiện định giá, kiểm toán kết quả định giá nhà máy và cơ cấu lại PVTex.

Cùng với đó, PVTex đã vận hành ổn định 10 dây chuyền sợi, cho ra hơn 4.000 tấn sản phẩm, lợi nhuận thu về bù đắp được các chi phí sản xuất. PVTex đang làm việc với các ngân hàng để thu xếp vốn khởi động toàn bộ nhà máy trong năm nay.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng bài toán giải quyết tranh chấp pháp lý với nhà thầu EPC tại PVTex là kinh nghiệm tốt (giải quyết được việc và thu về 3 triệu USD), làm tiền đề cho xử lý những việc khác.

“Mừng nhất là PVTex, hồi tôi xuống thăm trực tiếp thấy bi quan, cả đống tài sản chỉ có vài đồng chí ngồi canh giữ, bảo quản thiết bị, không có một tiếng động nào, máy móc rất hiện đại. Giờ chạy lại được, bù đắp được chi phí rồi là rất tốt. Có nỗ lực, có cố gắng, có khác, đương nhiên được như vậy không thể ngày một, ngày hai, rất khó, vì không được phép sử dụng nguồn lực, đồng thời phải giảm bớt dư nợ”, Phó Thủ tướng nói.

* Lo ngại dự án đạm Ninh Bình kéo sập cả Vinachem

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường cho biết, để có được kết quả khả quan năm 2018, ngoài giải pháp được giãn khấu hao và thuế phòng vệ, các đơn vị của Tập đoàn đều thực hiện việc tiết giảm chi phí. Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 266 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 288 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lãi 195,5 tỷ đồng.

Thực tế, DAP số 1 – Hải Phòng thực hành tiết kiệm, giảm chi phí 99 tỷ đồng, DAP số 2 – Lào Cai tiết kiệm được 49 tỷ đồng, đạm Hà Bắc tiết kiệm 39 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phú Cường kiến nghị với Ban chỉ đạo đưa dự án DAP số 1 - Hải Phòng ra khỏi danh sách các doanh nghiệp, dự án yếu kém vì đã hoạt động ổn định trong 3 năm liền, bảo đảm được các tiêu chí mà Bộ Công Thương đang dự thảo.

Tuy nhiên, khó khăn ông Nguyễn Phú Cường đưa ra là tái cơ cấu các khoản vay. Theo tính toán, năm 2019, các khoản vay, lãi phải trả của Nhà máy đạm Hà Bắc là 870 tỷ đồng trong kế hoạch doanh thu khoảng 3.100 tỷ đồng, đây là “gánh nặng khủng khiếp nếu không được tái cơ cấu các khoản vay”.

Theo ông Cường, tính bình quân lãi suất vay đầu tư của Nhà máy này 10,78%/năm, chưa kể lãi phạt, dẫn đến tình trạng máy chạy 80 – 90% công suất thiết kế, định mức tiêu hao đều ở mức bình quân theo thiết kế, định biên giảm chỉ còn 85%, lương dưới 7,5 triệu đồng/người/tháng, thực hành tiết kiệm nhưng vì gánh nặng chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) nên vẫn rất khó khăn.

“Nhà máy vẫn hoạt động, sản xuất ra sản phẩm cung ứng cho thị trường, 6 tháng đầu năm đã sản xuất 60.000 tấn ure, nhưng chi phí lớn quá, không thể kham nổi, không biết xoay xở thế nào nếu vẫn giữ tình trạng trả lãi vay như thế này”, ông Nguyễn Phú Cường nói và mong muốn Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo với Ngân hàng Đầu tư phát triển.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, trong số 4 dự án của Tập đoàn, dự án Nhà máy đạm Ninh Bình là khó khăn nhất, do thời gian “đắp chiếu” kéo dài đến 2 năm, trong khi mới khởi động lại từ đầu năm 2018, chi phí tài chính quá lớn, hiện tất cả các hợp đồng tín dụng đều do Tập đoàn vay để trả đầu tư cho dự án.

Nếu tiếp tục duy trì các khoản nợ, không được vay lại thì Tập đoàn cũng không đủ khả năng trả nợ. Hiện dự án hoạt động chủ yếu nhờ khách hàng ứng tiền, Nhà máy mang tiền đó đi mua than để sản xuất. Để duy trì sản xuất trong 3 tháng đầu năm, Nhà máy huy động tiền ứng trước của từng đại lý.

“Tập đoàn cũng không thể rót tiền cho Nhà máy mà chỉ trả nợ cho các khoản vay đầu tư dự án. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ kéo sập không chỉ đạm Ninh Bình mà kéo sập cả Tập đoàn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh báo cáo tình hình và kết quả xử lý tồn tại của các dự án, doanh nghiệp. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Tính đến thời điểm này, vốn đầu tư Tập đoàn đưa vào dự án lên đến 6.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Tập đoàn chỉ hơn 13.000 tỷ đồng. Giờ quá khó, chỉ có bán ông này đi lấy tiền trả nợ, không thể để tình trạng này; trước mắt cho khoanh các khoản nợ này, đồng thời có giải pháp về các khoản vay”, ông Nguyễn Phú Cường cho hay.

Chia sẻ với những khó khăn trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, dây chuyền số 1 của Nhà máy đạm Hà Bắc đang sản xuất kinh doanh rất tốt, đang là lá cờ đầu, “nhưng đưa giai đoạn 2 vào, đáng một đồng đầu tư thì đưa thành hai đồng, thì sao chịu nổi chi phí khấu hao, rồi lãi vay, chênh lệch tỷ giá”. Theo Phó Thủ tướng, nếu tách riêng giai đoạn 1, Nhà máy sẽ “sống khỏe”.

Phó Thủ tướng chỉ ra thực tế là “dự án đầu tư phê duyệt quá nhanh, nhưng làm quá kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp, đẩy tổng mức đầu tư lên cao thì khấu hao lớn, lãi vay lớn, chi phí chênh lệch tỷ giá lớn, sau này tiếp nhận dự án, tiết giảm chi phí đến mức độ nào, có cải tiến công nghệ mấy cũng không thể chịu nổi”.

* Vướng mắc pháp lý

Không thuận buồm xuôi gió trong việc giải quyết tranh chấp pháp lý với nhà thầu EPC như dự án PVTex, Tổng Giám đốc Tổng Công ty thép Nguyễn Đình Phúc cho biết, dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 không đàm phán được với nhà thầu MCC vì điều kiện tiên quyết của nhà thầu là phải tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để hoàn thành dứt điểm dự án. Hiện nay, Tổng Công ty Thép đang chờ ý kiến của Bộ Tư pháp về xử lý pháp lý.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, phía Tổng Công ty Thép phải tiếp tục làm rõ các vướng mắc với nhà thầu, cáo bạch rõ thực trạng của dự án để xử lý theo hướng có lợi hơn cho Tổng Công ty.

Ví các vướng mắc pháp lý như vấn đề “hóc xương”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phải xử lý được thì mới thực hiện được tiếp các thủ tục bán, thoái vốn được khỏi các nhà máy, dự án.

Các bộ và doanh nghiệp tập trung xử lý vấn đề này cũng như việc quyết toán các dự án trên tinh thần kiên nhẫn để đạt được thỏa thuận với các bên liên quan, theo hướng có lợi nhất.

Trong trường hợp khó đàm phán được với nhà thầu EPC, Phó Thủ tướng đồng tình với việc đưa ra tòa xử lý; giao Bộ Tư pháp nghiên cứu phương án thoái vốn khỏi các nhà máy.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhanh chóng báo cáo việc nhà máy Ethanol Quảng Ngãi sẽ thoái vốn hay sáp nhập với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Nhà máy Ethanol Phú Thọ lựa chọn phương án phá sản hoặc sớm thoái vốn; xử lý Nhà máy bột giấy Phương Nam thận trọng, bảo đảm nguyên tắc tách ra khỏi Tổng công ty Giấy để áp dụng đấu giá tài sản thanh lý và tồn kho.

Với nhà máy Ethanol Bình Phước, Phó Thủ tướng đề nghị PVN phối hợp với doanh nghiệp nắm cổ phần chi phối khởi động nhà máy để thoái vốn nhà nước.

Bộ Công Thương chuyển giao Tổng Công ty Thép về Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước quản lý, xử lý dứt điểm hợp đồng EPC và giải chấp bảo lãnh của Tổng Công ty Thép trước khi cổ phần hóa.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với kiến nghị của Vinachem, yêu cầu Bộ Công Thương nhanh chóng hoàn tất các tiêu chí, thủ tục, phối hợp với Vinachem sớm đưa dự án DAP số 1 - Hải Phòng ra khỏi danh sách các dự án yếu kém, nhằm gia tăng tín nhiệm cho nhà máy, huy động tốt hơn vốn sản xuất, kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục