Còn thiếu cơ chế đặc thù cho ngành Dầu khí

19:54' - 25/01/2019
BNEWS Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 41 để trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới góp phần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của Tập đoàn cũng như của ngành.
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: TTXVN

Triển khai nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết việc 3 năm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị số 18-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, ngày 25/1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã làm việc với Đảng ủy và cán bộ chủ chốt Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương liên quan và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 41 ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cho thấy, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, quán triệt, xây dựng ban hành chương trình, kế hoạch hành động để thể chế hoá các chủ trương trong Nghị quyết 41 và định kỳ hàng năm đều có những đánh giá, tổng kết việc thực hiện...

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, phát triển đúng theo những định hướng chiến lược.

Nhiều mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu sản xuất được hoàn thành hoặc tiệm cận hoàn thành như khai thác, tiêu thụ khí, sản xuất các loại sản phẩm xăng dầu, điện, đạm…

Hàng năm Tập đoàn đều hoàn thành các chỉ tiêu về tài chính như doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước ở mức cao; đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn; kiểm soát được công nợ.

Công tác tái cơ cấu đạt yêu cầu đề ra theo hướng rút gọn bộ máy điều hành để nâng cao hiệu quả quản trị (cơ quan Tập đoàn giảm từ 28 đầu mối xuống còn 16 đầu mối). Công tác cổ phần hóa được triển khai quyết liệt, có hiệu quả (năm 2018 đã cổ phần thêm ba Tổng công ty lớn là PV Oil, PV Power và BSR)…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết còn nhiều hạn chế, nhiều chỉ tiêu về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và đầu tư ra nước ngoài, phát triển hóa dầu, nhất là hóa dầu từ khí không đạt mục tiêu. Các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí cũng như các dự án điện đều có những vướng mắc lớn, bị chậm tiến độ; 5 dự án yếu kém của ngành dầu khí vẫn chưa được xử lý triệt để.

Cơ chế, chính sách cho phát triển ngành Dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện đầy đủ theo chủ trương, yêu cầu của Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị như: còn thiếu cơ chế đặc thù riêng cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển; việc phân cấp, phân quyền chưa phù hợp. Nhiều luật liên quan còn chồng chéo, nhiều hạn chế.

Cơ chế cho đầu tư ra nước ngoài, xử lý 5 dự án, doanh nghiệp yếu kém, nguồn vốn cho thực hiện tìm kiếm thăm dò và các dự án quan trọng còn bất cập... Các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp khí và chế biến dầu khí, công nghiệp điện đều tồn tại các vướng mắc về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ kịp thời.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, cần tập trung hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành Dầu khí và các cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam theo Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, trọng tâm là hoàn thiện Luật Dầu khí.

Các luật như: Luật Đầu tư 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng… cần phải xem xét tổng thể để có quy định thống nhất giữa các văn bản pháp luật này.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương yêu cầu, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 41 để trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới góp phần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của Tập đoàn cũng như của ngành Dầu khí.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần chuẩn bị tốt để báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ, đồng thời phối hợp Ban Kinh tế Trung ương trong công tác thẩm định.

Hoạt động sản xuất trong Nhà máy xơ sợi Đình Vũ- một trong các dự án yếu kém của PVN đã được khắc phục. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Đối với những khó khăn, vướng mắc trong xử lý 5 dự án, doanh nghiệp yếu kém, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần có cách tiếp cận đúng, sớm có các kiến nghị để ban hành các chủ trương, chính sách cụ thể. Với một số vấn đề lớn, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị sớm có chỉ đạo để tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2019, thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016- 2020, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phấn đấu thực hiện tốt những nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất như: gia tăng trữ lượng dầu khí 10-15 triệu tấn quy dầu; khai thác dầu 12,37 triệu tấn (trong nước 10,43 triệu tấn, nước ngoài là 1,94 triệu tấn); khai thác khí 9,69 tỷ m3; sản xuất đạm 1,58 triệu tấn; sản xuất điện 21,6 tỷ kWh; sản xuất xăng dầu 10,35 triệu tấn…/.

Xem thêm:

>>PVN gặp gỡ các nhà thầu, đối tác dầu khí

>>PVN được vinh danh Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục