Họp báo Chính phủ: Nghiêm cấm lợi dụng dịch bệnh để làm giá chứng khoán

21:09' - 05/02/2020
BNEWS Bộ Tài chính sẽ chủ động theo dõi, yêu cầu hai sở chứng khoán tăng cường giám sát, báo cáo hàng ngày, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, tung tin đồn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì Họp báo. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Chiều 5/2, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1, nhiều vấn đề nóng như thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm trong phiên đầu năm; miễn thuế nguyên liệu sản xuất khẩu trang và các vật tư y tế phòng dịch; giải pháp nào tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh dịch bệnh... đã được đại diện các Bộ, ngành giải đáp.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về những giải pháp của Bộ Tài chính thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán sau các phiên giảm điểm dịp đầu xuân, Thứ trưởng Bộ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong 2 phiên giao dịch 30 và 31/1, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, mất 45 điểm, tương đương khoảng 4,54%.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá đây là mức giảm khá sâu do yếu tố cộng dồn sau kỳ nghỉ Tết. Ngoài ra cũng phần nào do ảnh hưởng tâm lý dịch bệnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, từ tháng 2, khoảng cách giảm điểm của thị trường đã thu hẹp. Riêng ngày 4/2, sắc xanh đã quay trở lại với thị trường. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tích cực tuyên truyền ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng tuyên truyền, chống lợi dụng dịch bệnh để làm giá. Trong ngắn hạn, Bộ Tài chính sẽ chủ động theo dõi, yêu cầu hai sở chứng khoán tăng cường công tác giám sát, báo cáo hàng ngày, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, tung tin đồn.

“Bộ Tài chính cũng yêu cầu cấm lợi dụng tình hình dịch bệnh để làm giá chứng khoán”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

Liên quan đến miễn thuế nguyên liệu để làm khẩu trang, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, với tình hình khẩu trang y tế, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nước khử trùng tương đối thiếu và khan hiếm, Bộ Tài chính dự kiến và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng trong Công văn số 92 ngày 4/2/2020, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp các Bộ trình phương án miễn thuế khẩu trang y tế nhập khẩu phòng chống dịch.

“Chúng tôi trao đổi với bộ chuyên ngành có mã cụ thể khi thông quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang, các mã sẽ cụ thể hoá trong quyết định miễn thuế; việc miễn thuế nhập khẩu các loại nước khử trùng trong chống dịch, chúng tôi cũng đang cụ thể các mã trong quyết định.”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay.

Hiện, Bộ Tài chính đang phối hợp các đơn vị như Bộ Công Thương cụ thể hoá các mã hàng. Trong sáng mai 6/2, Bộ cũng xin ý kiến Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, sau đó khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ có quyết định sớm.

Về các giải pháp tiêu thụ hàng nông sản, nhất là việc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, hiện 362 xe ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn trưa 5/2 đã thông quan.

Các giải pháp giải quyết đầu ra cho nông sản trước mắt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với Bộ Công Thương không chuyển hàng qua biên giới, tập trung tiêu thụ tại thị trường nội địa, tập trung tăng cường chế biến, tạm trữ trong kho lạnh và chế biến sâu.

Đồng thời, các ngành chức năng đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Theo đó, tháng 2 sẽ có đoàn đi thị trường Dubai, tháng 3 có đoàn đi thị trường Mỹ, tháng 4 sẽ đi thị trường Nga, các thị trường châu Âu, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường ngách... để mở rộng thị trường.

Trong thời điểm khó khăn lâu dài, các doanh nghiệp, các tỉnh có kế hoạch cơ cấu lại sản xuất và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ đi kiểm tra tình hình này. 

Cùng thông tin thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona ảnh hưởng tác động đến thương mại, đặc biệt là xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Nhưng thực ra dịch này ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu sang thị trường thứ ba khác như ngành dệt may sang Hoa Kỳ, EU khi nguyên vật liệu ngành này lại nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Tác động của dịch này rất nhiều mặt cả trực tiếp, gián tiếp, thương mại biên giới, thậm chí cả thương mại nội địa”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.

Hiện, Bộ Công Thương đã ra chỉ thị tăng trường giải pháp ứng phó với dịch bệnh; trong đó có giao các biện pháp cụ thể cho lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, thị trường nội địa và tất cả các mặt có liên quan. Riêng với tiêu thụ hàng nông sản vì phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khi thị trường này có biến động chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.

Ngay trong ngày hôm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn cho phép xuất khẩu qua biên giới tiếp tục được thực hiện nhưng phải bảo đảm phòng chống dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục