Họp báo Chính phủ: Tạo sức mạnh để thực hiện “mục tiêu kép”

20:14' - 03/08/2020
BNEWS Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020 tiếp tục tháng sau khá hơn tháng trước.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 3/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong phiên họp Chính phủ ngày 3/8, các thành viên Chính phủ đánh giá, với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, chúng ta đã tạo nên sức mạnh to lớn và những kết quả quan trọng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai giải ngân đầu tư công, vốn ODA năm 2020. Đồng thời, Thủ tướng làm việc với một số tỉnh, thành phố lớn như: Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… nhằm chỉ đạo thực hiện hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công – khơi thông động lực tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập 7 đoàn công tác do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn đầu trực tiếp tới các địa phương, bộ, ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) tại các bộ, cơ quan, địa phương.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020 tiếp tục tháng sau khá hơn tháng trước.
“Chúng ta tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần. CPI trong tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, CPI bình quân tính chung 7 tháng tăng 4,07% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ; mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 145,8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ; trong đó, điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước tăng cao 13,5%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 139,3 tỷ USD, giảm 2,9%; xuất siêu 6,5 tỷ USD.  Sản xuất nông nghiệp tuy bị tác động của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực, là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi 3 tháng liên tiếp, nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn 3,6%...
Về tình hình, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các thành viên Chính phủ nhận định, ở trong nước, do tác động của dịch COVID-19 trở lại từ cuối tháng 7, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là giải ngân vốn ODA rất thấp. Sản xuất kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực rất khó khăn; khu vực dịch vụ chịu tác động rất lớn, nhất là hàng không, du lịch; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và số lao động mất việc làm tăng...
Trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, tiếp tục lây lan với tốc độ cao. Kinh tế và thương mại toàn cầu thời gian tới được dự báo không mấy khả quan, rơi vào suy thoái. Mặc dù vậy, các tổ chức quốc tế, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế Việt Nam dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 với mức tăng 2,8% và lên 6,8% trong năm 2021. Tạp chí The Economist nhận định Việt Nam là nơi “trú ẩn” ưa thích của nhiều nhà đầu tư thế giới, đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phải biến thách thức thành cơ hội, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ  về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 và các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 84/NQ-CP; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả. Từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Chính phủ xác định đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không. Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng. Kiên định triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng chống dịch và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Liên quan đến dự báo kịch bản kinh tế khi có tác động của dịch COVID-19 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ: “Chưa bao giờ các dự báo về kinh tế lại khó như bây giờ, có quá nhiều yếu tố tác động, nhất là các yếu tố liên quan đến dịch COVID-19. Hiện nay, tình hình biến đổi liên tục, công tác dự báo rất khó. Thực tế hiện nay, kết quả dự báo của các tổ chức quốc tế, các giả định đều khác nhau”.
Trong đợt bùng phát đợt COVID-19 lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cảnh báo, tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế sẽ rất ghê gớm. Đợt dịch đầu năm, nước ta phải giãn cách xã hội toàn quốc hơn 20 ngày đã tác động rất nhiều đến sản xuất kinh doanh. Kết quả tăng trưởng của quý II rất thấp. Đợt bùng phát này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, quyết tâm dùng mọi hình thức dập dịch bằng được, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế.
Về sơ bộ đánh giá tác động, có thể thấy ngay tác động tức thì của đợt COVID-19 này là ngành du lịch và ngành vận tải hành khách bị tác động đầu tiên. Không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương, các hãng lữ hành, vận chuyển hàng không đều bị huỷ chuyến đi, huỷ hợp đồng du lịch. Mặc dù ngành du lịch trong tháng 7 vừa qua đã có mức tăng tưởng bứt phá so với tháng 6 nhưng mới chỉ 1 tháng.
Ngay sau khi dịch bùng phát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có chỉ đạo các đơn vị trong Bộ khẩn trương tổ chức nghiên cứu, thu thập số liệu đưa ra các dự báo cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong tháng 8 cùng với các bộ, ngành khác xây dựng các kịch bản chi tiết để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và Chính phủ./.

>>Họp báo Chính phủ: Tiếp tục làm rõ vụ nghi hối lộ của Công ty Tenma Việt Nam


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục