Họp báo Chính phủ tháng 2/2020: Giải đáp nhiều vấn đề báo giới và dư luận quan tâm

21:25' - 03/03/2020
BNEWS Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, đại diện các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới đang được dư luận xã hội quan tâm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Chiều tối 3/3, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, bên cạnh giải đáp vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm suốt 2 tháng qua là phòng, chống dịch COVID-19, đại diện các bộ, ngành cũng trả lời nhiều câu hỏi của báo giới về nhân sự thay thế chức Phó Thủ tướng khi ông Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Thành ủy Hà Nội; việc nâng điểm thi công chức tại Bộ Khoa học và Công nghệ; đề xuất của Bộ Tài chính về thay đổi mức chịu thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh; dừng kế hoạch thí điểm xe hợp đồng điện tử; lỗ hổng trong việc quản lý doanh nghiệp mới; Hải Phòng chủ trương trích 269 tỷ đồng mua ấm chén và cờ tặng người dân, nhân dịp kỷ niệm giải phóng thành phố...

Trả lời câu hỏi của báo chí về nhân sự thay thế chức Phó Thủ tướng khi ông Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, theo quy định tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ, Thủ tướng có thẩm quyền trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự Phó Thủ tướng.  Việc đề xuất, lựa chọn nhân sự trong quy định của Đảng, Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định rất rõ.

Về thông tin có một trường hợp thi tuyển công chức ở Bộ Khoa học và Công nghệ được nâng từ 35 điểm lên 63 điểm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, theo Luật Cán bộ, công chức và một số nghị định về tuyển dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động, việc tuyển dụng công chức đã phân cấp theo cơ quan quản lý công chức. Cơ quan quản lý công chức ở Trung ương là Bộ và ở tỉnh là UBND tỉnh. Việc tổ chức thi căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, vị trí, việc làm, chỉ tiêu biên chế và thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng.

"Ở trường hợp này, cơ quan quản lý công chức là Bộ Khoa học và Công nghệ nên trách nhiệm thuộc về Bộ. Tôi mong báo chí cung cấp tên người được điều chỉnh điểm để Bộ Nội vụ kiểm tra theo thẩm quyền. Còn trong việc chấm thi đôi khi giữa chấm vòng 1 và phúc khảo vòng 2 cũng có thể có chênh lệch. Đây là quy định trong quy chế về thi nói chung, giữa chấm vòng 1 và phúc khảo có thể có những điều chỉnh”, ông Nguyễn Duy Thăng nói.

Liên quan đến việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng thông qua chủ trương trích 269 tỷ đồng mua ấm chén và cờ tặng người dân nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thành phố, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vấn đề này có các luồng ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng cần tính toán hiệu quả.

Theo Luật Ngân sách nhà nước, UBND, HĐND thành phố Hải Phòng có thẩm quyền quyết định chi khoản tiền đó. Nhưng trong điều kiện hiện tại, thành phố cũng nên rà soát lại các khoản và cần chi tiêu trên tinh thần đúng luật nhưng phải tiết kiệm, hiệu quả. “Đây mới là đề án đưa ra nhưng chưa chi, chúng tôi trao đổi thêm với thành phố Hải Phòng để rà soát, cân nhắc lại ý kiến đóng góp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Trước băn khoăn của phóng viên về việc mới đây một công ty (tên là USC Interco) đăng ký kinh doanh với số vốn 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD) vừa được thành lập ở Hà Nội, rà soát quy định thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể đăng ký kinh doanh với số vốn rất cao nhưng khi không góp đủ vốn thì chỉ bị phạt số tiền rất “nhẹ”, đây là lỗ hổng trong việc quản lý doanh nghiệp mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này theo pháp luật là hoàn toàn đúng, trên cơ sở xét duyệt hồ sơ thì không có lý do gì để không cấp đăng ký kinh doanh cho họ.

“Tuy nhiên, các cán bộ cũng rất trách nhiệm khi thấy rằng số vốn có quy mô bất thường. Tôn trọng quyền đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, đơn vị đăng ký kinh doanh đã ghi nhận và thông báo phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục các thủ tục sau này, đặc biệt là việc thông báo tới người đăng ký kinh doanh, trong 90 ngày phải nộp đủ số tiền cam kết. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi cho đến khi nhận được thông tin về việc người đăng ký doanh nghiệp sẽ sửa đổi hồ sơ hay xin đăng ký lại, chúng tôi sẽ tiếp nhận theo đúng quy định pháp luật”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.

Theo ông, nền kinh tế Việt Nam đang cơ cấu lại với tầm nhìn phát triển mạnh mẽ, rất cần doanh nghiệp lớn. Do vậy, các cơ quan đăng ký kinh doanh của các địa phương và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải quen dần với những con số vốn lớn này. Song, với cơ chế hậu kiểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật, tránh trường hợp các doanh nghiệp đăng ký chưa đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc theo dõi đăng ký kinh doanh.

Về định hướng sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là bài học cho việc quản lý đăng ký kinh doanh theo hướng hậu kiểm, cần tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh; đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn của đơn vị đăng ký kinh doanh, đặc biệt, liên quan đến đơn vị tiền tệ trong hồ sơ, khi dùng các khái niệm khác nhau (đồng, nghìn đồng, triệu đồng, tỷ đồng) phải thống nhất để chuẩn hóa quá trình đăng ký kinh doanh./.

Xem thêm:

>>Việc giảm trừ gia cảnh phải tuân thủ Luật Thuế thu nhập cá nhân

>>Cơ chế hậu kiểm cần chặt chẽ hơn trong đăng ký kinh doanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục