Họp báo Chính phủ thường kỳ: Phối hợp chặt chẽ xác minh vụ việc của Asanzo

22:05' - 04/09/2019
BNEWS Về quy chuẩn hàng Made in Vietnam và các hàng hóa xuất xứ Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2017 Chính phủ ban hành Nghị định 43 về xuất xứ, nhãn hàng hóa.
Chiều 4/9/2019, tại Hà Nội, đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ chủ trì buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019. Ảnh: Văn Điệp –TTXVN
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức chiều 4/9, tại Hà Nội, đại diện một số Bộ, ngành đã trả lời nhiều vấn đề nóng liên quan tới ngành Giao thông, Công thương và Tài chính trong thời gian qua.

Liên quan đến việc xác minh sự việc đúng sai trong vụ Asanzo bị cáo buộc bán hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ thực hiện đúng chức trách được giao.

Về quy chuẩn hàng Made in Vietnam và các hàng hóa xuất xứ Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2017 Chính phủ ban hành Nghị định 43 về xuất xứ, nhãn hàng hóa.

Thời gian qua, nhận thấy còn thiếu quy định về xuất xứ hàng hóa Made in Vietnam, Bộ Công thương đã có tờ trình Thủ tướng về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thế nào là hàng hóa, là sản phẩm Made in Vietnam. Bộ cũng đã hoàn thành dự thảo ban đầu dưới hình thức Thông tư và đang lấy ý kiến người dân và các đối tượng liên quan.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đối tượng Thông tư tác động rộng và Asanzo chỉ là một trường hợp. Đến nay, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến của người dân, đối tượng có liên quan và mong sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa để bảo đảm sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có xuất xứ rõ ràng cũng như bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi cũng cho biết, liên quan vụ Asanzo, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công văn chỉ đạo xác minh thông tin báo chí phản ánh. Bộ trưởng đã giao các cơ quan chức năng của Bộ kiểm tra vụ việc và hiện Bộ Tài chính đã thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan tới kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ tháng 5/2019, các Ban quản lý dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu, đến tháng 7/2019 đã nhận được hồ sơ của các ứng viên nhà đầu tư. Hiện tại, các Ban Quản lý dự án đã thành lập Hội đồng đánh giá báo cáo kết quả lên Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, quá trình đánh giá thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu, quản lý theo chế độ mật nên không cung cấp được cụ thể các nhà đầu tư.

Đối với việc các doanh nghiệp trong nước có đủ khả năng tham gia được dự án cao tốc hay không, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, các phân đoạn đầu tư đã được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng nhằm đảm bảo việc khai thác xây dựng, kết nối được các tuyến đường và bảo đảm khả năng thu hồi vốn.

Trên cơ sở thiết kế tính toán tổng mức đầu tư và từ đó xác định quy mô đầu tư của con đường, theo quy định vốn điều lệ của doanh nghiệp phải chiếm 20% tổng vốn đầu tư nên mức đầu tư đường cao tốc thông thường là cao.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư trong nước vẫn có khả năng về giá trị tài sản và vốn điều lệ để có thể tham gia cũng như có thể liên kết, liên doanh tham gia vào một số dự án nhất định”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục