Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4: Tập trung khắc phục bất cập về thị trường nông sản

21:04' - 04/05/2017
BNEWS Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đánh giá về thị trường nông sản hiện nay vẫn là khâu yếu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và tập trung khắc phục.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, một vấn đề dư luận quan tâm là tiêu thụ nông sản, trong đó có tiêu thụ thịt lợn đã được Chính phủ thảo luận tại Phiên họp Chính phủ tháng 4, ngày 4/5.

“Nghịch lý giá thịt lợn hơi xuống rất thấp, có thời điểm chỉ 15.000 – 18.000 đồng/kg trong khi giá thịt lợn tại các thành phố lớn, siêu thị, chợ... vẫn bán giá rất cao, từ 80.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng/kg.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục. Tinh thần là không được để xảy ra những trường hợp tương tự”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Cho biết cụ thể hơn về tiêu thụ thịt lợn thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, nhờ sự vào cuộc của các bộ, ngành, cộng đồng, doanh nghiệp, siêu thị… giá thịt lợn hơi hiện đã tăng bình quân trên 5.000 đồng/kg so với thời điểm thấp nhất và tương đương với giá thành sản xuất. Tại các siêu thị so với cách đây 10 ngày giá thịt lợn đã giảm 10-20%.

Về các giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung 3 giải pháp. Đó là giải quyết tốt quan hệ cung cầu, tiếp theo là đảm bảo tổng đàn và quy mô đàn có cơ cấu hợp lý, trong đó trước mắt có giải pháp kiểm soát đàn lợn nái, đồng thời nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tiếp theo tổ chức liên kết chuỗi, theo đó Bộ sẽ đề xuất Chính phủ một số cơ chế chính sách trên quan điểm theo tín hiệu thị trường. Cuối cùng là giải quyết mở thị trường tiêu thụ thịt lợn, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Chính phủ đã chỉ đạo, không phải cấm tạm nhập tái xuất mà kiểm soát chặt chẽ tạm nhập tái xuất theo quy định để không có việc luân chuyển tạm nhập tái xuất thẩm thấu vào thị trường nội địa một cách không hợp pháp.

Đồng thời, chúng ta cũng thấy nếu như tạm nhập tái xuất tăng mãi thì có thể ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ gia súc, gia cầm của chúng ta. Tất nhiên chúng ta sẽ thực hiện kiểm soát này theo đúng quy định của Việt Nam và theo các hiệp định thương mại, nhất là của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Giải đáp băn khoăn về nhập khẩu thịt lợn, việc dừng tạm nhập tái xuất thịt lợn có ảnh hưởng đến thị trường trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc này không có ảnh hưởng cho ngành chăn nuôi vì năm 2016, Việt Nam chỉ nhập khẩu 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan thịt lợn, chỉ bằng 0,1% sản phẩm thịt lợn tiêu thụ trong nước.

Nên việc này không có ảnh hưởng gì đến tiêu thụ thịt lợn trong nước. Hay trong năm 2016, mặt hàng thịt lợn tạm nhập tái xuất nhỏ chỉ tương đương giá trị 20 triệu USD mà chỉ là tạm nhập qua Việt Nam để xuất đi nước khác.

Tuy nhiên việc tạm nhập tái xuất cần quan tâm đến việc thẩm lậu vào Việt Nam nên Bộ Công Thương nhất trí việc trước mắt tạm dừng tạm nhập tái xuất mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề xuất để thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn cũng như các mặt hàng nông sản, vấn đến đề đặt ra là phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời các bộ ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương càng sớm càng tốt, ký kết hiệp định thú ý, kiểm dịch để các sản phẩm vào được thị trường chính ngạch.

Cho biết thêm về sự tham gia của ngành ngân hàng trong giải quyết khó khăn ngành chăn nuôi, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cho hay Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tiếp tục cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Trước khó khăn của ngành chăn nuôi, Ngân hàng Nhà nước đã cử các đoàn đi khảo sát tại các tỉnh có nền chăn nuôi lớn và đã thực hiện dãn nợ giá trị 364,7 tỷ đồng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Chính phủ đánh giá về thị trường nông sản hiện nay vẫn là khâu yếu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và tập trung khắc phục.

Về lâu dài, cần triển khai các giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng cường chế biến sâu; điều chỉnh quy mô và cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị.

Các Bộ cần rà soát, đánh giá, làm rõ những điểm còn bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, nhất là về quy hoạch, kế hoạch, hệ thống thông tin giá cả, thị trường… không để tình trạng người nông dân bị động chạy theo thị trường dẫn đến thua thiệt lớn như trong nuôi lợn hiện nay.

“Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang có chủ trương đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, đây là chủ trương đúng đắn nhưng cần đặc biệt chú ý thị trường tiêu thụ để phát triển hiệu quả, bền vững”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng khẳng định chỉ đạo của Chính phủ.

>>> Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3: Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục