Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7: Các bộ, ngành giải đáp nhiều vấn đề nóng

21:32' - 01/08/2019
BNEWS Chiều tối 1/8, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019, nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm.
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: Dương Giang - TTXVN 

Chiều tối 1/8, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019, nhiều vấn đề nóng liên quan đến Đề án Quy hoạch báo chí; việc đầu tư tiền điện tử Payer của Công ty Pay Asian thông qua ứng dụng App Pay Asian chưa được cấp phép; sơ tuyển đấu thầu đường bộ cao tốc Bắc – Nam; việc triệt phá đường dây đánh bạc của các đối tượng người Trung Quốc tại Hải Phòng; điều tra vụ án liên quan Công ty Nhật Cường; việc bị can Trần Bắc Hà tử vong khi đang bị tạm giam; vụ việc của Asanzo, Zalo… đã được báo chí đặt ra.

*Mức huy động lãi suất trái phiếu bất động sản chưa đáng ngại

Giải đáp việc chậm có kết luận về vụ việc của Asanzo theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Tài  chính Vũ Thị Mai cho biết, quá trình xác minh thông tin ban đầu, vụ việc của Asanzo liên quan đến nhiều doanh nghiệp và nhiều Bộ như Công an, Công Thương, Khoa học và Công nghệ.

Hiện nay, Bộ đang kiểm tra và xác minh 28 doanh nghiệp có các hoạt động xuất khẩu với Công ty Asanzo, xác minh đối với Tập đoàn Asanzo và các siêu thị, nhà bán lẻ các sản phẩm của Asanzo, kiểm tra thông tin với cơ quan thuế về giao dịch phát sinh cũng như xác minh thông tin với Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao về thông tin liên quan đến nhãn hiệu là hàng Việt Nam chất lượng cao và một số thông tin khác. Bộ đã chỉ đạo quyết liệt và khi có đầy đủ thông tin sẽ công bố với các cơ quan báo chí.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: Dương Giang - TTXVN 

Tại họp báo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng thông tin về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Theo Thứ trưởng, 7 tháng năm 2019, tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng là 31.000 tỷ đồng, tương đương 63,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp của năm 2018, trong đó doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng chiếm 42%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 22%.

Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng năm 2019 cao hơn so với năm 2018, nguyên nhân do mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của Ngân hàng thương mại đều tăng trong năm 2019. Trong đó, lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp ngành bất động sản trong 7 tháng năm 2019 ở mức trên 10% (phổ biến ở mức 12%).

Riêng đợt phát hành trái phiếu của Công ty Cổ phần bất động sản Phát Đạt có mức lãi suất khá cao, 12-14,5%, đây là một trong những doanh nghiệp có mức cao nhất.

“Việc áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng với ngành bất động sản cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động sản phải huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và so với các ngành khác”, bà Mai nói.

Theo bà, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát, đánh giá mức huy động lãi suất như vậy chưa có xu hướng biến động đáng ngại. Bộ Tài chính vẫn tiếp tục theo dõi, đánh giá, phân tích thường xuyên, nếu có bất thường ảnh hưởng đến thị trường tài chính sẽ có giải pháp phù hợp.

Về thông tin xoay quanh việc đầu tư tiền điện tử Payer của Công ty Pay Asian thông qua ứng dụng App Pay Asian chưa được cấp phép nhưng đã có giao dịch hàng tỷ đồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 39 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán, quy định rõ về nôi dung cũng như quy định đối với việc sử dụng ví điện tử, chỉ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền cho đơn vị chấp nhận thanh toán, hoàn trả tiền cho khách hàng.

Không được sử dụng ví điện tử vào mục đích huy động vốn của khách hàng trên tài khoản để đầu tư.

Theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm hiện tại, đã cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán cho 30 tổ chức không phải ngân hàng, trong đó 27 tổ chức cung ứng có ví điện tử.

Không có tổ chức nào có dịch vụ ví điện tử có tên gọi là Pay Asian. Đây là tổ chức không được cấp phép hoạt động. Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng sẽ rà soát cụ thể.

* Đã lắng nghe các ý kiến các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí khi thực hiện Đề án Quy hoạch báo chí

Giải đáp về Đề án Quy hoạch báo chí, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Đề án đã được Bộ Chính trị cho ý kiến và thông qua từ năm 2015. Sau đó, lãnh đạo Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm việc với các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí.

Trong quá trình làm việc này, lãnh đạo Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã lắng nghe các ý kiến các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí.

Về đường dây đánh bạc liên quan các đối tượng người Trung Quốc tại khu đô thị do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hiệp Phong đầu tư, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn Phòng Bộ Công an cho biết, lực lượng chức năng tạm giữ 395 đối tượng người Trung Quốc, trong đó có 19 người khai báo đăng ký tạm trú, còn những đối tượng khác lợi dụng đường du lịch vào Việt Nam. Qua xác minh ban đầu, các đối tượng phạm tội và bị hại đều ở Trung Quốc, chưa phát hiện bị hại người Việt Nam trong vụ việc này. Căn cứ theo Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai nước và được đồng ý của Viện Kiểm sát, Bộ Công an đã bàn giao các đối tượng này cho các cơ quan chức năng của Trung Quốc tiếp nhận để xử lý theo quy định.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, những nghi vấn liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hiệp Phong trong vụ án này, theo Trung tướng Lương Tam Quang, lực lượng Công an sẽ điều tra làm rõ, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, lực lượng Công an sẽ làm rõ các công ty du lịch đưa khách vào nhưng không quản lý, không khai báo, nếu có căn cứ sẽ xử lý hành chính hoặc hình sự.

Liên quan đến việc bị can Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tử vong khi đang bị tạm giam, Trung tướng Lương Tam Quang cho biết, sau khi nắm được thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã phối hợp Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng khám nghiệm tử thi. Cục điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng chủ trì khám nghiệm tử thi, đang xác định nguyên nhân cái chết của bị can Trần Bắc Hà.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Zalo chỉ được cấp phép dịch vụ OTT nhưng lại hoạt động như một mạng xã hội và mới đây cơ quan chức năng đã yêu cầu thu hồi hai tên miền nhưng sau đó lại tiếp tục gia hạn, dù Zalo đã hoạt động không phép nhiều năm nay, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đã lập biên bản, xử phạt hành chính và yêu cầu Zalo phải xin cấp phép. Bộ đã cho Zalo một khoảng thời gian để hoàn tất các thủ tục nộp hồ sơ xin cấp phép. Hiện Zalo đã nộp hồ sơ xin cấp phép.

Theo báo cáo của Công ty VNG (đơn vị sở hữu Zalo), công ty này có cổ phần nước ngoài. Điều này phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và họ đã công bố công khai trong báo cáo tài chính. Nếu sở hữu nước ngoài đó có yếu tố nhạy cảm, Bộ Thông tin Truyền thông luôn phối hợp cùng Bộ Công an để theo dõi, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tin thêm về vấn đề này, Trung tướng Lương Tam Quang, cho biết, vấn đề không nằm ở chỗ Công ty điều hành Zalo có cổ phần của nước ngoài mà điều quan trọng là các doanh nghiệp này hoạt động trên đất nước Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu có sai phạm, Bộ Công an sẽ xác minh, làm rõ và xử lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục