Hợp tác xã đưa sản phẩm "đi xa" nhờ thương mại điện tử

10:02' - 24/01/2023
BNEWS Chuyển đổi số là hướng đi mới mang lại hiệu quả tích cực cho sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tại Bến Tre.

Từ những sản phẩm tưởng chừng như bỏ đi, vợ chồng cô gái 8X Lê Thị Huế My và Lê Trọng Hiếu (ở xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm- Bến Tre) đã khéo léo “biến tấu” thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa đẹp mắt, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, qua đó nâng cao giá trị tài nguyên tại địa bàn.

Hơn nữa, thay vì phương thức bán hàng truyền thống như trước kia, Huế My đã lựa chọn thương mại điện tử là hình thức chủ lực trong kinh doanh.

Chia sẻ thêm về hoài bão này, cô gái trẻ Huế My bày tỏ, ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ mỗi tháng, ngành chế biến dừa ở tỉnh Bến Tre cho ra hàng nghìn tấn phụ phẩm; trong đó, có sản phẩm từ gáo dừa. Đây là vật liệu xanh có cấu trúc tuyệt vời để làm đồ dùng gia đình an toàn, thân thiện với môi trường và đồ trang trí độc đáo. Chính vì vậy, Công ty sản xuất gáo dừa Yescoco No plastic của Huế My đã làm ra hàng trăm loại sản phẩm theo 3 nhóm chính: nhóm vật dụng gia đình; nhóm đồ chơi trẻ em; nhóm vật dụng kết hợp trang trí.

 

Việc này cũng xuất phát từ lứa tuổi teen thường xuyên sử dụng smartphone nên Huế My cho rằng chỉ có công nghệ số mới có thể kết nối sản phẩm của mình với thế giới bên ngoài một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Ngoài ra, khi tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến cũng như các kênh thương mại điện tử, công ty của Huế My đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm hay để nâng cao năng lực và giá trị sản phẩm hơn nữa. Điều này đã giúp nguồn nhân lực của công ty được trang bị thêm kiến thức mới, sản phẩm cũng từ đó đa dạng và tinh tế hơn.

Đặc biệt, để sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa vươn xa, Huế My đã đăng ký sản phẩm, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ, số điện thoại và thông tin liên quan đến sản phẩm như hình ảnh, giá bán, quá trình sản xuất…tới các sàn thương mại điện tử.

Cũng chính từ các kênh thương mại điện tử này, đến nay nhiều sản phẩm xuất khẩu đã xuyên biên giới sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ.

Theo bà Trần Thị Lan, Phó Giám đốc Hợp tác xã rượu Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri- Bến Tre), trước đây việc tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã thông qua các kênh phân phối truyền thống, tiêu thụ qua thương lái.

Chính vì vậy, nhiều thị trường hợp tác xã muốn phân phối nhưng không có kênh quảng bá, sản phẩm xã viên sản xuất rất hạn chế. Hơn nữa, đa số xã viên là nông dân vì vậy tiếp cận giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng chưa thể làm được.

Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng, hợp tác xã đã dần tiếp cận với công nghệ số, áp dụng thương mại điện tử vào quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm chất lượng của hợp tác xã đã đến tay người tiêu dùng thông qua các xã viên.

Thế nhưng, khi tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử, hợp tác xã cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chẳng hạn như nạn hàng giả, hàng nhái hay lập trang web giả mạo để livetream bán hàng.

Do vậy, khi được hỗ trợ thành lập trang web với tên miền ".vn" đã giúp sản phẩm của hợp tác xã an toàn hơn và giới thiệu đến khắp nơi trên cả nước qua việc trực tiếp đặt hàng.

Bên cạnh đó, hợp tác xã ứng dụng các trang thương mại điện tử để đưa sản phẩm đi xa hơn, thị trường mở rộng hơn. Xã viên qua đó cũng đã có thu nhập ổn định và tâm lý gắn bó lâu dài hơn với làng nghề có truyền thống hơn 100 năm của địa phương.

Cùng với đó, việc ứng dụng các trang thương mại điện tử người tiêu dùng trực tiếp giao dịch với hợp tác xã điều này sẽ hạn chế được vấn đề người tiêu dùng sử dụng sản phẩm kém chất lượng trôi nổi ngoài thị trường.

Tương tự, dù đã tồn tại hơn 100 năm nhưng sản phẩm của làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, tại xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm trước nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao làng nghề vẫn chỉ duy trì mô hình sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ Tết hoặc theo đơn đặt hàng trước. Vì thế, người sản xuất cũng không thể tiếp cận được người tiêu dùng để quảng bá sản phẩm địa phương.

Với hơn 20 năm gắn bó với sản phẩm bánh phồng truyền thống của gia đình, anh Cao Minh Tấn, xã Hưng Nhượng (chủ cơ sở bánh phồng Hai Sậm) mong muốn sẽ trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng không qua khâu trung gian.

Anh Tấn kể, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, kinh doanh khó khăn, thương lái hạn chế mua hàng. Do vậy, anh Tấn tìm cách tiếp thị sản phẩm qua các ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook…).

Nhận thấy đây là phương thức kinh doanh hiệu quả, anh Tấn đã tìm đến các sàn thương mại điện tử để tiếp thị và bán sản phẩm, hiệu quả ngày càng thiết thực, đơn hàng ngày một tăng lên.

Anh Tấn cho hay, sau khi ứng dụng thương mại điện tử, cơ sở được nhiều khách hàng hơn trước đây. Bên cạnh đó, ngành chức năng đã hỗ trợ thành lập trang web "banhphongsondoc.vn" cho hợp tác xã bánh phồng của địa phương.

Nhờ đó, sản phẩm làm ra của các xã viên được giới thiệu trực tiếp trên trang web, khách hàng từ các nơi có thể mua trực tiếp sản phẩm của gia đình cũng như của xã viên hợp tác xã tại làng nghề.

Điều đáng mừng, thông qua việc tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số, số lượng và khách hàng đặt mua ngày một nhiều nên phải thuê tới 20 nhân công lao động thường xuyên.

“Nếu như trước đây, mỗi tháng gia đình anh Tấn chỉ sản xuất từ 7-10 ngày để hoàn thiện đơn hàng, thì nay mỗi ngày đều đặn cho ra 10.000 bánh. Ngày thường là thế, còn với dịp Lễ, Tết, số lượng này còn tăng thêm tới 3-4 lần”, anh Tấn giãi bày.

Để đẩy mạnh sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, anh Tấn cho biết sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị để ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhiều hơn. Ngoài ra, tới đây sẽ cải thiện thêm về mẫu mã, bao bì sản phẩm theo hướng bài bản nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Giới phân tích cho rằng, chuyển đổi số là hướng đi mới mang lại hiệu quả tích cực cho sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Đi liền đó, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng hơn và không chỉ tại Bến Tre mà còn lan toả ra toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trải dài khắp cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục