Hưng Yên gỡ vướng giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp

17:58' - 12/04/2023
BNEWS Ngày 12/4, nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng đã được lãnh đạo tỉnh Hưng Yên tháo gỡ.
Tại hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân tại Hưng Yên năm 2023 tổ chức ngày 12/4, nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng đã được lãnh đạo tỉnh tháo gỡ.

Các doanh nghiệp kiến nghị làm rõ những bất cập trong việc thu thuế tiền sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ tính giá tiền thuê đất để doanh nghiệp có căn cứ ký hợp đồng thuê đất; thường xuyên cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử của các sở, ngành; tăng cường các giải pháp thúc đẩy hợp tác với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu; dành kinh phí cho công tác đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lắng nghe và nhanh chóng có các biện pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Văn Lâm nêu vấn đề, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 100 dự án đã được giải phóng mặt bằng nhưng sau 3 năm vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân do vướng mắc trong khâu cấp quyền sử dụng đất. Đây là khó khăn cho các doanh nghiệp, đề nghị bổ sung, gia hạn chủ trương đầu tư cho các dự án này để doanh nghiệp sớm nhận được mặt bằng.

Lý giải về vấn đề này, ông Trần Chu Đức Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm nêu rõ, huyện đã cơ bản hoàn thiện việc dồn thửa đổi ruộng để chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, người dân chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp khi chưa có sổ đỏ. Huyện đã chỉ đạo các xã ưu tiên các hộ dân này nhưng sau khi chuyển nhượng, các hộ dân không mặn mà với việc làm sổ đỏ. Chính vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp cần phối hợp với địa phương, đến các hộ gia đình đó hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ.

Ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn đề nghị các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn chủ động đổi mới công nghệ, cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ, trình độ quản lý, quản trị mới để tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho ngân sách, cho xã hội. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến trách nhiệm xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng chỉ đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cùng các Hội doanh nghiệp các huyện, thị xã, thành phố cần phát huy thật tốt vai trò cầu nối chính quyền đến cộng đồng doanh nghiệp, là tiếng nói của doanh nghiệp đến những người thực thi công vụ; thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên.

Từ đó, đề xuất lãnh đạo tỉnh tổ chức các buổi gặp mặt chuyên đề giúp cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền phổ biến cho hội viên những chính sách pháp luật của nhà nước, chăm lo quyền lợi ích của người lao động thường xuyên.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị tỉnh Hưng Yên tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để cải thiện môi trường đầu tư, phấn đấu trở thành tỉnh đi đầu trong thu hút đầu tư; phát huy thế mạnh vị trí và nhân lực để phát triển kinh tế toàn diện, phát triển công nghiệp liên tỉnh, liên khu vực, tham gia chuỗi giá trị của các vùng kinh tế; xây dựng đội ngũ doanh nhân tỉnh phát triển mạnh mẽ, sáng tạo…

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Hưng Yên đạt 12,8%, đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 5 cả nước. Tăng trưởng của từng ngành đều vượt kế hoạch đề ra; trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,4%, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 19,45%, vượt xa so với kế hoạch đề ra; thu ngân sách nhà nước đạt mức cao nhất từ trước đến nay, gấp 2,63 lần dự toán, đứng trong top 10 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước.

VCCI cũng vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hưng Yên tăng 25 bậc lên thứ 14/63; trong đó, có nhiều chỉ số tăng điểm so với năm 2021, gồm: tiếp cận đất đai (tăng 0,7 điểm và tăng 36 bậc), chi phí không chính thức (tăng 1,1 điểm và tăng 40 bậc), tính năng động của chính quyền (tăng 0,2 điểm và tăng 17 bậc) và thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (tăng 1,1 điểm và tăng 33 bậc).

Đây là sự ghi nhận của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp cho những nỗ lực của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục