Hưng Yên sẽ có sản phẩm du lịch độc đáo, phục vụ phát triển kinh tế

19:30' - 28/05/2022
BNEWS Hưng Yên sở hữu tiềm năng phát triển với nền văn hóa đậm đà bản sắc cùng nhiều làng nghề nổi tiếng.

Theo các chuyên gia, nếu tận dụng được lợi thế này Hưng Yên sẽ có sản phẩm du lịch độc đáo, phục vụ phát triển kinh tế.

*Tiềm năng du lịch từ các làng nghề

Từng được ví như một "Tiểu Tràng An" của Việt Nam, tỉnh Hưng Yên nổi tiếng với các làng nghề truyền thống như: làng đúc đồng Lộng Thượng, làng chạm bạc Huệ Lai, làng nghề mây tre đan, dệt thảm, làng nghề làm hương xạ Cao Thôn, nghề đan đó, dọ Thủ Sỹ, nghề làm tương Bần… Làm thế nào để kết hợp, biến những lợi thế đó thành sản phẩm du lịch phục vụ phát triển kinh tế đang là câu hỏi lớn.

Ông Nguyễn Văn Tài, đại diện công ty du lịch Viet Sen tour nhận định, hiện nay Hưng Yên có thể phát triển du lịch tại các làng nghề với những sản phẩm du lịch độc đáo như: làm gốm, đúc đồng, trồng hoa…

Với lợi thế đó, du lịch Hưng Yên có thể xây dựng tour du lịch ngắn ngày giúp du khách trải nghiệm cuộc sống du lịch nông thôn. Đây có thể là hướng đi mới tạo thương hiệu riêng cho du lịch Hưng Yên trong quá trình đổi mới và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Tài dẫn chứng, tuyến đường đê ven sông Hồng từ Ecopark sang Hưng Yên với hai bên là làng nghề trồng hoa rất đẹp. Tận dụng lợi thế đó có thể xây dựng sản phẩm "farmstay", cho du khách tận hưởng không khí lãng mạn giữa những vườn hoa, trải nghiệm làm nông nghiệp, trồng hoa cùng người dân.

"Với những chương trình lưu trú 1 đêm 2 ngày hoặc 2 đêm 3 ngày, du khách có thể trải nghiệm, sống chậm tại không gian giữa vườn hoa, thưởng thức món ăn làng quê đặc sản của Hưng Yên. Đó sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo, tạo được sức hút, thích thú cho du khách. Nếu chỉ tham quan một ngày mà không có trải nghiệm thì sẽ không hấp dẫn du khách", ông Nguyễn Văn Tài nói.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Bích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Crystal Holidays cũng nhìn nhận, tỉnh Hưng Yên có huyện Văn Giang có nghề trồng hoa, cây cảnh đang mang lại giá trị kinh tế cho địa phương. Nếu kết hợp làm du lịch gắn với làng nghề này sẽ có nhiều thuận lợi.

Với những cơ sở lưu trú tại vườn hoa độc đáo, du khách đến ở sẽ tự truyền thông, quảng bá cho điểm đến trên các mạng xã hội. Đây là cách làm du lịch hiệu quả nhất, ít tốn kém mà lại đảm bảo được  phát triển du lịch gắn với lợi thế của địa phương.

*Định hình vị thế trên bản đồ du lịch

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có hơn 1.800 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó, có 3 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt khu di tích Phố Hiến, thành phố Hưng Yên và chùa Thái Lạc huyện Văn Lâm), 175 di tích cấp quốc gia, 257 di tích cấp tỉnh và 5 bảo vật quốc gia cùng hàng ngàn tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị để khai thác nhằm phát huy truyền thống văn hóa và phát triển du lịch.

Ngoài ra, Hưng Yên còn có một kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc của đồng bằng châu thổ sông Hồng với những làn điệu Chèo, ca Trù, Trống quân mư­ợt mà đằm thắm. Cùng với đó là nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng khác như: hạt sen, chè hạt sen long nhãn, cam đường canh, bún thang thế kỷ, ếch om Phượng Tường, tương bần, gà Đông Tảo, bánh răng bừa, bánh cuốn…

Ông Cao Quốc Chung, Phó Giám đốc Công ty Vidotour tại Hà Nội khẳng định, Hưng Yên sở hữu tiềm năng phát triển với nền văn hóa đậm đà bản sắc cùng nhiều làng nghề, khu di tích. Tuy nhiên, du lịch Hưng Yên lại gặp những khó khăn nhất định. Có thể kể đến là sự quy hoạch chưa thực sự đồng đều. Những sản phẩm du lịch chưa mang tính đặc sắc và hấp dẫn riêng.

Cùng với đó, du lịch Hưng Yên phải đối mặt với sự cạnh tranh từ nhiều địa phương có tiềm năng du lịch lân cận. Do đó, du lịch Hưng Yên cần định hình vị thế của mình trên bản đồ khu vực du lịch trong nước.

Ông Cao Quốc Chung đề xuất, các doanh nghiệp tại địa phương cần có sự liên kết để có bộ sản phẩm du lịch theo chủ đề, theo tuyến để tạo thành một lộ trình khép kín, hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên nhận định, với tiềm năng du lịch dồi dào và lợi thế về vị trí địa lý giáp Thủ đô Hà Nội, kết hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện. 

Hưng Yên đang và sẽ trở thành một điểm du lịch độc đáo và là điểm đến lý tưởng đối với khách du lịch trong và ngoài nước; trong đó nổi bật là du lịch sinh thái (khu Ecopark), du lịch văn hóa, trải nghiệm tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt...

Nếu được định hướng và đầu tư phát triển một cách hợp lý thì đây sẽ là các yếu tố quyết định để phát triển ngành du lịch Hưng Yên lên một tầm cao mới.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định, thời gian qua, việc tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Hưng Yên đã được chú trọng hơn trước thông qua các phương tiện truyền thông, các sự kiện về chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh; các hội chợ triển lãm du lịch, đồng thời liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và các tỉnh, thành trong vùng nói riêng.

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Hưng Yên ngày càng tăng, sản phẩm du lịch cũng đa dạng hơn. Vì vậy, hình ảnh và sản phẩm du lịch của Hưng Yên ít nhiều đã đến được với du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Hưng Yên nói riêng vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách đến Hưng Yên còn ở mức thấp so với thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh, chủ yếu là khách trong vùng, thời gian lưu trú ngắn.

UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã ban hành Kế hoạch kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Hưng Yên thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở cửa hoạt động du lịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục