Hướng dẫn quy chuẩn về môi trường với phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

20:42' - 25/10/2018
BNEWS Chiều 25/10, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo hướng dẫn triển khai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Ảnh minh họa: TTXVN

Tháng 9/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 nhóm phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất gồm sắt, thép; nhựa; giấy; thủy tinh; kim loại màu; xỉ hạt lò cao. Trong đó, có nội dung quy định về hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức nhấn mạnh, nhập khẩu phế liệu đang là vấn đề nóng, lượng hàng tồn tại các cảng biển vẫn lớn, các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp giải quyết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, nhằm kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường, minh bạch hóa quá trình cải cách thủ tục hành chính về nhập khẩu phế liệu, để tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm của chủ hàng.

Ông Nguyễn Bảo Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho biết: So với quy chuẩn cũ, quy chuẩn mới bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn đối với 3 nội dung về phế liệu kim loại màu, phế liệu thủy tinh nhập khẩu và xỉ hạt lò cao.

Về kỹ thuật, điểm mới của quy chuẩn là thêm nội dung về phế liệu sắt, thép, nhựa phế liệu nhiễm các loại phóng xạ, tạp chất nguy hại và mức độ vượt cho phép không quá 2% so với tổng lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu. Các lô hàng nhập về từ 20 công-ten-nơ trở lên sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên 10%.

Thay đổi nhiều so với trước đây là quy định về quản lý giấy giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu. Giấy được nộp bổ sung sau khi Tổ chức giám định được chỉ định cung cấp kết quả giám định về chất lượng của lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Theo các đại biểu, hướng dẫn vẫn còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với thực tế như Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương chủ trì trong khi doanh nghiệp trên một địa phương này, hàng phế liệu nhập khẩu về ở cảng lại thuộc địa phương khác; các bước thực hiện chưa được quy định cụ thể về thời gian thực hiện, thời gian ký quỹ đảm bảo phế liệu nhập khẩu phải trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu ít nhất 15 ngày đang làm khó doanh nghiệp trong khi một số nước ở châu Á quy định thời gian này là 3 hoặc 7 ngày… Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến thủ tục nộp hồ sơ, việc chứng nhận thời điểm nộp hồ sơ.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng để sớm giúp doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến./.

>>> Hướng xử lý với container phế liệu tồn đọng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục