Vẫn "nóng" câu chuyện phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái

10:40' - 04/10/2018
BNEWS Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1, tính đến ngày 3/10/2018, số container tồn đọng tại cảng Cát Lái là 35.020 container; trong đó, có 5.021 container tồn bãi trên 90 ngày.

Về phế liệu, hiện có 3.265 container tồn đọng; trong đó, có 2.649 container tồn bãi trên 90 ngày.

Các container phế liệu nằm rãi rác trong cảng Cát Lái. Ảnh:Hoàng Hải-TTXVN

So với đầu tháng 8/2018, tổng số container tồn bãi và container phế liệu tồn bãi có giảm nhẹ, nhưng số container đã quá hạn làm thủ tục thông quan lại tăng.

Do đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực1 và Công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị khai thác cảng Cát Lái) đang tích cực giải quyết để giải phóng mặt bằng cho cảng Cát Lái và tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Nguyên Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 cho biết, với số container phế liệu tồn bãi hơn 90 ngày, cơ quan hải quan đã ra thông báo cho chủ hàng đến làm thủ tục hải quan, nhận hàng nhưng không có người đến nhận thì được xác định là vô chủ.

Số container này sẽ được phân loại để xử lý theo quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan, các container hàng hóa tồn bãi từ 90 ngày trở lên.

Còn chủ trương của Tổng cục Hải quan là sẽ yêu cầu các hãng tàu đã vận chuyển phế liệu gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm vận chuyển số phế liệu trên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Theo ông Lê Nguyên Linh, việc yêu cầu các hãng tàu chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm môi trường ra khỏi Việt Nam là đúng với quy định pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Cụ thể, Luật Hải quan năm 2014 và Thông tư 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính đều quy định, đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 đang trong quá trình xác minh, phân loại các loại phế liệu nên chưa có kế hoạch cụ thể trong việc yêu cầu các hãng tàu đưa phế liệu gây ô nhiễm môi trường ra khỏi Việt Nam.

Ông Trần Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị khai thác cảng Cát Lái thông tin, từ tháng 6/2018 đến 30/9/2018 cảng Cát Lái đã ngưng tiếp nhận toàn bộ mặt hàng phế liệu nhựa, riêng phế liệu giấy vẫn phải xuất trình giấy phép khi dỡ hàng và công văn cam kết thời gian vận chuyển cụ.

Để tránh phát sinh thêm các container phế liệu bị “bỏ rơi”, cảng Cát Lái sẽ tiếp tục thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ các đơn hàng nhập khẩu phế liệu về cảng trong thời gian tới.

Theo đó, tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu muốn dỡ hàng xuống phải xuất trình giấy phép đủ điều kiện nhập khẩu còn hiệu lực và hạn ngạch hoặc giấy ủy thác của doanh nghiệp có giấy phép.

Theo ông Trần Việt Thắng, hiện nay Công ty Tân Cảng Sài gòn đang tích cực xử lý số container hàng phế liệu tồn bãi quá 90 ngày tại cảng Cát Lái.

Theo đó, sau khi thực hiện các thủ tục thông báo cho chủ lô hàng và đăng thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng mà chủ hàng không đến nhận thì số hàng này sẽ được phân loại để thanh lý, hàng nào đủ chất lượng nhập khẩu thì sẽ tiến hành bán đấu giá để sung công quỹ, hàng nào không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường thì phải tiêu hủy.

Mặt khác, Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đang tiến hành di dời các container quá hạn làm thủ tục thông quan từ cảng Cát Lái về cảng Hiệp Phước.

Tính tới nay đã di dời được khoảng 400 container, góp phần giải phóng mặt bằng, kho bãi cho cảng Cát Lái hoạt động kinh doanh các mặt hàng khác.

Về việc yêu cầu các hãng tàu phải vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, ông Trần Việt Thắng cho rằng, mặc dù có quy định trong văn bản luật nhưng để yêu cầu các hãng tàu chịu trách nhiệm thì rất khó.

Lý do là các hãng tàu cũng không biết phải đưa hàng đi đâu, vì sẽ không có quốc gia nào đồng ý nhập các phế liệu gây ô nhiễm môi trường. Do đó, phương án khả thi nhất để xử lý các lô hàng tồn đọng gây ô nhiễm môi trường hiện nay vẫn là tiêu hủy.

Hơn nữa, mặc dù đã có quy định trách nhiệm chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải thực hiện vận chuyển hàng hóa tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhưng đến nay chưa có quy định về chế tài xử phạt nếu không thực hiện trách nhiệm, khiến các quy định trên khó áp dụng vào thực tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục