Hướng đi nào cho Nissan thời hậu Carlos Ghosn?

10:18' - 03/12/2018
BNEWS Nissan Motor Co. được cho là phải làm mới mình để có thể thích ứng tốt hơn trong một thị trường đang thay đổi nhanh chóng.
Ông Carlos Ghosn tại cuộc họp báo ở Yokohama, Nhật Bản ngày 12/5/2011. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau gần hai thập niên dưới sự chèo lái của ông Carlos Ghosn, người mới đây bị bắt giữ và bãi miễn chức Chủ tịch do cáo buộc sai phạm tài chính, Nissan Motor Co. được cho là phải làm mới mình để có thể thích ứng tốt hơn trong một thị trường đang thay đổi nhanh chóng.

Liệu phương án này có hiệu quả đối với một "đế chế" có lịch sử hoạt động trong hơn 100 năm?

Nissan, ban đầu được Masujiro Hashimoto thành lập dưới tên Kwaishinsha Motor Car Works, đi vào hoạt động vào năm 1911.

Ba năm sau, Nissan xuất xưởng chiếc ô tô đầu tiên mang tên DAT – bắt nguồn từ chữ cái đầu trong tên họ của ba đối tác đầu tư.

Trải qua một số lần đổi tên, phải đến năm 1934 cái tên Nissan Motor Company mới được sử dụng. Nihon Sangyou, còn được biết đến với tên Japan Industries, năm 1931 sáp nhập với Nissan.

Giám đốc điều hành của Nihon Sangyou khi đó là Yoshisuke Aikawa rất hứng khởi với việc khởi dựng một nhánh chế tạo ô tô của công ty đã không ngần ngại mua lại cổ phần của những cổ đông không nhiệt tình rồi tập trung vào việc xây dựng các nhà máy chế tạo ô tô Nissan.

Thời hậu chiến, Nissan thiết lập quan hệ đối tác với nhiều hãng chế tạo ô tô khác để sản xuất xe cho họ, nổi bật trong số này là Austin Motor Company, và sáp nhập với Prince Motor Company. Nissan lúc này cũng chuyển đổi mô hình từ sản xuất xe ô tô chở khách nhỏ sang sản xuất xe tải và xe quân sự.

Năm 1960, Nissan trở thành hãng chế tạo ô tô Nhật Bản đầu tiên thắng Giải thưởng Deming nhờ thiết kế xuất chúng. Các mẫu ô tô Datsun mới như Bluebird (1959), Cedric (1960) và Sunny (1966) đã giúp thúc đẩy doanh số bán ô tô của Nissan tại Nhật Bản và thị trường nước ngoài. Hãng chứng kiến sự tăng trưởng thần kỳ trong những năm 1960.

Trụ sở Renault Nissan Mitsubishi tại Amsterdam, Hà Lan ngày 29/11/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Những cuộc khủng hoảng năng lượng trong thập niên sau đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mẫu xe giá thành phải chăng, đạt hiệu quả nhiên liệu của Nhật Bản. Thành công tại Mỹ và các thị trường khác mở lối cho Nissan mở rộng hoạt động tại nước ngoài, hiện bao gồm các nhà máy chế tạo và lắp ráp tại gần 20 quốc gia trên thế giới.

Sau giai đoạn khó khăn vào cuối những năm 1990, Nissan chuyển mình với việc xây dựng quan hệ liên minh với hãng chế tạo ô tô Pháp Renault, xem xét lại dòng xe sang Infiniti và trình làng xe bán tải Titan cũng như tân trang các phiên bản của mẫu xe thể thao Z đình đám và xe sedan Altima cỡ trung.

Renault-Nissan là hình mẫu điển hình về một cách thức kết hợp độc đáo khi Renault SA và Nissan Motors được "ràng buộc" với nhau thông qua thỏa thuận lưu giữ cổ phần chéo.

Renault-Nissan bắt đầu thiết lập quan hệ từ năm 1999 và tháng 10/2016 đã mạnh tay chi khoảng 2,2 tỷ USD để mua lại 34% cổ phần của Mitsubishi Motors Corp, dần đưa liên minh trở thành một trong số ít các liên doanh xuyên lục địa trụ vững từ ngày đầu thành lập.

Các quan chức Nissan dự định duy trì liên minh với Renault SA và Mitsubishi Motors Corp vì những lợi ích mà nó mang lại, ngay cả khi hội đồng quản trị tập đoàn đã thông qua quyết định bãi miễn chức vụ đối với ông Ghosn sau khi ông bị bắt giữ vì những cáo buộc sai phạm tài chính.

Lợi nhuận ròng của Nissan trong sáu tháng tính đến tháng 9/2018 đạt 246,3 tỷ yen (2,2 tỷ USD), giảm 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái do sự sụt giảm doanh số bán xe toàn cầu và chi phí nguyên vật liệu tăng.

Hãng đạt 5.500 tỷ yen doanh thu, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán xe trên toàn cầu của Nissan giảm 1,8% xuống 2,86 triệu chiếc trong giai đoạn trên do sự sụt giảm tại Bắc Mỹ và châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục