IDB khuyến cáo Mỹ Latinh cải cách tài khóa khẩn cấp

15:47' - 21/03/2021
BNEWS Theo cố vấn cấp cao của IDB, Andrew Powell, với những thách thức tài khóa và mức độ mắc nợ cao, việc cải thiện thể chế tài khóa nên là một vấn đề ưu tiên cao. 

Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) đánh giá các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe sẽ còn yếu kém trong các vấn đề kinh tế vĩ mô trong những năm tới do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Vì vậy, việc thực hiện các cải cách tài khóa là cấp thiết để phục hồi kinh tế.

Tổ chức tài chính đa phương này dự báo GDP của khu vực sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm 2021, sau khi ghi nhận mức giảm kỷ lục 7,4% trong năm 2020. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực sẽ chậm lại và chỉ đạt mức trung bình 2,5% vào năm 2022 và 2023.

IDB cũng đưa ra cảnh báo về một kịch bản tiêu cực khi GDP của khu vực chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm nay và các mức tương ứng 1,1% và 1,8% cho 2 năm tiếp theo.

IDB nhấn mạnh rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn, khu vực cần thực hiện một loạt cải cách nhằm cải thiện năng suất, giúp kết nối các công ty với chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và tạo việc làm một cách bền vững.

Theo cố vấn cấp cao của IDB, Andrew Powell, với những thách thức tài khóa và mức độ mắc nợ cao, việc cải thiện thể chế tài khóa nên là một vấn đề ưu tiên cao. Hệ thống tài chính mạnh sẽ có mức độ tín nhiệm cao hơn và cho phép điều chỉnh dần dần với lãi suất thấp hơn để đảm bảo tính bền vững của nợ.

Bên cạnh đó, các nước thu thuế thấp nên tìm cách tăng nguồn thu mà vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Hệ thống thuế lành mạnh có thể giúp giải phóng tiềm năng kinh tế, tận dụng việc phân bổ lại nguồn lực trong tất cả các lĩnh vực và do đó thúc đẩy tăng năng suất và việc làm chính thức.

Ngân sách nên ưu tiên phân bổ cho các dự án có tác động xã hội mạnh mẽ và đặc biệt là các công trình cơ sở hạ tầng cần thiết để xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Theo số liệu của IDB, các chính phủ Mỹ Latinh đã chi khoảng 485 tỷ USD hỗ trợ hệ thống tài chính trong thời kỳ đại dịch, với các gói tài chính chiếm trung bình 8,5% GDP.

Tuy nhiên, trong khi một số quốc gia thực hiện các gói hỗ trợ lớn, thì hơn 2/3 số quốc gia trong khu vực hỗ trợ khiêm tốn hơn nhiều, khoảng 3% GDP trở xuống, trái ngược với mức bình quân 19% GDP ở các nền kinh tế phát triển.

Thâm hụt tài khóa tổng thể của khu vực đã tăng vọt lên 8,3% GDP vào năm 2020, từ mức 3% vào năm 2019, và nợ công tăng từ 58% lên 72% GDP. Theo dự báo của IDB, nợ công của Mỹ Latinh sẽ đạt 76% GDP vào năm 2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục